Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015 chỉ 6,9% (năm ngoái 7,3%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc sau 25 năm. Sự sụt giảm kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới được các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo là đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái còn tệ hơn năm 2008.
Kinh tế Trung Quốc suy giảm gây nhiều hệ lụy cho toàn cầu. |
Lý do vì sao? Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 12% GDP toàn cầu và 18% hàng hóa xuất khẩu toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, có khối nợ rất lớn trên thị trường chứng khoán như quả bong bóng khổng lồ có thể bể ra bất cứ lúc nào. Chính vì thế, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng mạnh tới toàn thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ có tác động mạnh nhất lên các nền kinh tế ở châu Á cũng như Úc, Brazil, Canada, Chile và Peru. Những nước này phụ thuộc vào nhu cầu các mặt hàng thiết yếu cho công nghiệp ở Trung Quốc. Ở mảng sản xuất thì Hong Kong, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Đài Loan bị ảnh hưởng nặng nhất.
Chứng khoán châu Á rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011 sau những thông tin kinh tế của Trung Quốc và Mỹ cùng giá dầu tụt mạnh. Chotaro Morita, Giám đốc chiến lược thu nhập tại SMBC Nikko Securities nói rằng: Cổ phiếu Mỹ và châu Âu giảm sâu tới mức giá hồi tháng 8 và không có dấu hiệu hồi phục buộc chúng ta phải đánh giá nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ngay cả các nước phương Tây cũng không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng từ Trung Quốc. Nhiều công ty ở Anh giảm mạnh thu nhập, lãi suất và giá cả hàng hóa không nhích lên. Các công ty dầu khí đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên trong năm 2015. Kinh tế Trung Quốc giảm sút và giá dầu tụt mạnh cũng khiến hàng tỷ bảng Anh trên thị trường chứng khoán mất giá trị trong những ngày đầu năm 2016.
Nhiều chuyên gia cho rằng có thể Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái khác. Như thế sẽ giáng đòn kép vào nền kinh tế toàn cầu. Giá bất động sản ở Anh và Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây khiến cho người có thu nhập trung bình không có cơ hội mua nhà cửa. Khoản nợ của chính phủ Anh và Mỹ cũng đã phình to từ năm 2008. Tuy nhiên khác với năm 2008 ở chỗ các nhà hoạch định chính sách của Anh và Mỹ không thể cắt giảm lãi suất để giảm áp lực. Kết hợp nhiều yếu tố từ tác động của kinh tế Trung Quốc, thực tế ở Mỹ, Anh và châu Á có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ hơn cả năm 2008.
ANH THƯ (Theo Telegraph)