.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng ở Biển Đông

.

Đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi cường quốc châu Á này ngừng các hoạt động cải tạo và xây dựng tại những khu vực có tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.                   Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters

Trung Quốc là chặng dừng chân cuối cùng của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du châu Á, sau khi ông đến Lào và Campuchia. Sau cuộc gặp gỡ giữa 2 Ngoại trưởng Mỹ và Trung tại thủ đô Bắc Kinh, vốn được mô tả là “cuộc thảo luận thẳng thắn và xây dựng”, phát biểu với báo giới, ông John Kerry thừa nhận những khác biệt đang tồn tại, mặc dù phía Trung Quốc hy vọng chuyến thăm này sẽ củng cố hơn nữa sự tin cậy chiến lược lẫn nhau, giảm hoài nghi, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương trong năm nay. “Những khác biệt sẽ tiếp tục thử thách chúng tôi”, ông nói; đồng thời nhấn mạnh rằng, thế giới sẽ có lợi khi Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau về nhiều vấn đề, trong đó thỏa thuận hạt nhân Iran và chống biến đổi khí hậu.

Tránh căng thẳng leo thang

Hãng AP cho biết, Ngoại trưởng Kerry đã kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động cải tạo và xây dựng tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông. “Tôi nhấn mạnh về sự quan trọng của việc tìm kiếm nền tảng chung giữa các bên tranh chấp và tránh gây mất niềm tin hoặc căng thẳng leo thang”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói.

Song, theo AP, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Bắc Kinh chỉ có động thái bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (!?). Ông Vương Nghị cũng bác bỏ các cáo buộc từ Mỹ và những nước khác rằng Trung Quốc không quan tâm đến các giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp (!?).

Thực tế, Mỹ khẳng định cường quốc này không đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng những diễn biến tại khu vực này là mối quan tâm an ninh quốc gia của Washington. Theo đó, Mỹ thúc giục cần giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình, các bên cần thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Căng thẳng trên Biển Đông đặc biệt gia tăng kể từ khi Trung Quốc có những hoạt động trái phép bồi đắp đảo nhân tạo. Vậy nhưng, Bắc Kinh vẫn một mực tuyên bố xây dựng đảo chủ yếu nhằm thúc đẩy sự đi lại an toàn trên biển về mặt dân sự.

Tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã phái tàu khu trục tên lửa dẫn đường đến một trong những đảo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Động thái này được cho là nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, trong khi các quan chức Washington cam kết tiếp tục bảo vệ sự tự do về hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Đến Bắc Kinh lần này, ông Kerry cũng có cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và sau đó là với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm của ông Kerry đến Trung Quốc, cùng Lào và Campuchia được cho là nhằm “dọn đường” cho hội nghị cấp cao đặc biệt giữa Tổng thống Barack Obama với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến diễn ra ở Sunnylands, bang California (Mỹ) vào tháng 2 tới.

Trước đó, trong các chuyến thăm Lào và Campuchia, ông Kerry đã kêu gọi 2 thành viên ASEAN này tham gia một mặt trận thống nhất nhằm tìm các giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông.

Cần nghị quyết mới với Bình Nhưỡng

Cũng tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Kerry nói rằng, Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) có hành động mới, theo đó sẽ áp đặt “các giải pháp mới đáng kể” để trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư, đồng thời gây áp lực buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Ông Kerry nêu rõ: “Đã có nhiều cuộc đối thoại về CHDCND Triều Tiên trong những năm qua. Nay chúng tôi tin rằng, đây là lúc hành động để có thể đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn nghị sự”.

Hãng AP dẫn lời ông Kerry cho rằng, CHDCND Triều Tiên “là một thách thức lớn đối với an ninh toàn cầu” và Mỹ muốn Trung Quốc có quan điểm cứng rắn hơn trong việc hối thúc Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Trước đó, ông Kerry cam kết gây sức ép với Trung Quốc để nước này phải kiềm chế CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Song, Bắc Kinh chỉ trích các tuyên bố của Washington là “thiếu trách nhiệm”.

Lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng thống nhất cần có nghị quyết mới nhưng Bắc Kinh không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới. Nhà ngoại giao này nói rằng, nghị quyết mới sẽ không thúc đẩy căng thẳng và ít gây mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên.  

Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất, là đối tác thương mại chính của CHDCND Triều Tiên. Xung quanh vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ vì nước đồng minh này không tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ. Song, theo các nhà quan sát, ông Kerry khó thuyết phục được Bắc Kinh “mạnh tay” với Bình Nhưỡng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.