.

Mỹ và đồng minh muốn Bình Nhưỡng trả giá

.

Mỹ và 2 đồng minh châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản tìm kiếm sự hợp tác để chống lại mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Vụ thử hạt nhân gây sốc của CHDCND Triều Tiên khiến cả ba quốc gia này lo ngại và muốn Bình Nhưỡng phải “trả giá tương xứng”.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt. 											Ảnh: AP
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7-1 đã có các cuộc điện thoại riêng rẽ với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, 3 nhà lãnh đạo đã thống nhất phối hợp để tìm kiếm phản ứng mạnh mẽ của quốc tế đối với “hành động liều lĩnh” của CHDCND Triều Tiên.

Thủ tướng Abe mô tả việc Bình Nhưỡng thử bom H (bom nhiệt hạch) vào sáng 6-1 là “hành động khiêu khích không thể chấp nhận được”. Hàn Quốc cũng mang tâm thế không khoan nhượng. Tổng thống Park Geun-hye kêu gọi phản ứng mạnh mẽ của quốc tế với những gì mà bà gọi là “sự khiêu khích nghiêm trọng”.

Cả bà Park lẫn ông Obama đều muốn có “những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và toàn diện” dành cho CHDCND Triều Tiên.

Các cuộc trao đổi nói trên diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp khẩn ở New York. Với sự ủng hộ của Trung Quốc, đồng minh của CHDCND Triều Tiên, HĐBA LHQ đã chỉ trích mạnh mẽ vụ thử hạt nhân và tuyên bố sẽ bắt đầu soạn thảo nghị quyết mới, trong đó có “những biện pháp đáng kể hơn nữa”.

Mỹ cam kết bảo vệ Hàn

Tổng thống Obama khẳng định “không gì có thể lay chuyển được” Washington trong việc bảo đảm an ninh cho Seoul. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra cam kết vững chắc rằng, Washington sẽ bảo vệ Hàn Quốc bằng mọi phương tiện răn đe trước những mối đe dọa hạt nhân từ phía CHDCND Triều Tiên.

Hãng Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết, Seoul đang bàn thảo với Mỹ về việc triển khai các vũ khí chiến lược của Washington trên bán đảo Triều Tiên nhưng không tiết lộ thêm thông tin.

Sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân vào năm 2013, Mỹ đã phái 2 máy bay ném bom tàng hình có khả năng mang hạt nhân lượn trên bầu trời Hàn Quốc nhằm biểu dương sức mạnh. Lúc đó, CHDCND Triều Tiên đã phản ứng bằng việc đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.

Hiện tại, Mỹ và các chuyên gia vũ khí hoài nghi về vụ thử bom H của CHDCND Triều Tiên, nhưng vẫn kêu gọi gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng. “Phân tích ban đầu không phù hợp với tuyên bố về việc thử bom H thành công”, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói với báo giới.

Tại LHQ, Đại sứ Mỹ Samantha Power kêu gọi “gói trừng phạt mới cứng rắn, cụ thể để Bình Nhưỡng phải nhận những hệ quả thật sự từ hành động của mình.

Về phía Hàn Quốc, cùng nằm trên bán đảo Triều Tiên, lại đang trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật với Bình Nhưỡng nên Soeul dường như ngồi trên đống lửa. Trong cuộc họp báo ngày 7-1, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt.

Chính phủ Hàn Quốc quyết định nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống CHDCND Triều Tiên bằng hệ thống loa phóng thanh đặt tại khu vực biên giới liên Triều từ hôm nay (8-1). Tháng 8 năm ngoái, hai miền đã đạt được thỏa thuận mang tính đột phá nhằm xoa dịu căng thẳng sau khi Hàn Quốc tố CHDCND Triều Tiên đặt mìn trong khu phi quân sự DMZ khiến 2 binh sĩ nước này bị thương và nối lại chương trình tuyên truyền bằng hệ thống loa phóng thanh đặt dọc biên giới liên Triều.

Theo đó, Seoul ngừng chương trình phát thanh chống Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chỉ sau một vài tháng, thỏa thuận nói trên đã đổ vỡ.

Chờ phản ứng của Trung Quốc

Mọi ánh mắt tại HĐBA LHQ đều dồn về phía Trung Quốc, đồng minh của CHDCND Triều Tiên để chờ phản ứng từ Bắc Kinh. Điều đáng nói là vụ thử bom H làm Trung Quốc tức giận và mối quan hệ giữa hai đồng minh có thể sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Ông Anthony Cordesman, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Washington, tỏ ra quan ngại rằng bất kỳ sự leo thang nào ở khu vực, bất kỳ phản ứng thái quá nào cũng có thể dễ dàng dẫn đến không chỉ cuộc xung đột giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, mà còn đẩy Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản vào thế đối đầu.

Theo ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế cũng có trụ sở tại Washington, ưu tiên hàng đầu là phải tìm cách vừa gây áp lực lên Bình Nhưỡng để hạn chế khả năng vũ khí hạt nhân, vừa giải quyết khủng hoảng bằng ngoại giao.

Theo cựu quan chức ngoại giao Joseph DeThomas, Trung Quốc sẽ ủng hộ nghị quyết mới do HĐBA LHQ đưa ra nhưng có thể phản đối việc áp đặt trừng phạt kinh tế quá cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng bị trừng phạt kinh tế sẽ kéo theo việc các công ty và ngân hàng Trung Quốc không thể giao dịch tại quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên này. Reuters cho hay, trước đây, mỗi lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân, Bắc Kinh luôn tìm cách kiềm chế phản ứng tức giận của các đồng minh do Mỹ dẫn đầu. Song, giờ đây, Bắc Kinh cũng tỏ ra thất vọng về Bình Nhưỡng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.