Ngày 17-1, Thứ trưởng dầu mỏ Iran, Amir Hossein Zamaninia, tuyên bố nước này sẽ giành lại thị trường dầu mỏ từ các nước như Saudi Arabia trong giai đoạn Iran chính thức bước vào thời kỳ “hậu trừng phạt hạt nhân”.
Một nhà máy sản xuất xăng dầu tại Kawasaki, gần thủ đô Tokyo của Nhật. Ảnh: Reuters |
Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003
Phiên giao dịch đầu ngày 18-1 chứng kiến giá dầu rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 khi thị trường bắt đầu tiếp nhận nguồn cung tăng vọt từ Iran khi nước này chính thức được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân.
Chuyên gia Richard Nephew, Giám đốc chương trình Quản lý kinh tế, xử phạt và thị trường năng lượng thuộc Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia nhận định: “Giờ đây Iran đã được tự do bán bao nhiêu dầu tùy ý và bán cho bất cứ ai với bất cứ giá nào họ muốn”.
Theo công bố của Thứ trưởng dầu mỏ Iran ngày 17-1, nước này cũng đã tăng lượng xuất khẩu dầu mỏ của họ lên mức 500.000 thùng mỗi ngày.
Trong phiên giao dịch đầu ngày 18-1, giá dầu Brent quốc tế LCOc1 giảm còn 27,67 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Sau đó lúc 8 giờ ngày 18-1 giờ Việt Nam, giá dầu tăng lên mức 28,25 USD/thùng. Tuy nhiên đây vẫn là mức thấp hơn 2% so với các phiên giao dịch ngày 15-1.
Giá dầu thô CLc1 của Mỹ cũng giảm 58 cent xuống còn 28,84 USD/thùng sau khi chạm mức giá thấp nhất của năm 2003 là 28,36 USD/thùng trong phiên giao dịch trước đó.
Theo Mehrnews, Iran tuyên bố sẽ xuất khẩu khoảng 500 ngàn thùng dầu thô mỗi ngày. Ông Zamaninia khẳng định năng lực sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ đạt tới mức một triệu thùng mỗi ngày chỉ trong vài tháng nữa.
Ông Zamaninia nhấn mạnh, trong những năm tháng Iran bị thế giới áp lệnh trừng phạt, quốc gia này đã mất một phần thị trường dầu mỏ quan trọng về tay các nước như Saudi Arabia. Cũng theo đó, việc giành lại thị trường đã mất này được xem như kế hoạch quan trọng nhất với Iran.
Thứ trưởng dầu mỏ Iran cho biết thêm, hiện tại Iran vẫn còn rất nhiều khách hàng tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Và đó sẽ là tiền đề để quốc gia dần kiểm soát lại những khu vực thị trường dầu mỏ quan trọng.
Trả lời câu hỏi về việc trong trường hợp Iran tăng sản lượng dầu mỏ xuất khẩu sẽ tiếp tục đẩy sâu thêm đà lao dốc của giá dầu thế giới, ông Zamaninia giải thích: “Iran có quyền tăng sản lượng dầu của nước mình mặc dù chúng tôi vẫn cố gắng trong quá trình gia nhập thị trường để gây ảnh hưởng ít nhất có thể tới giá dầu”.
Ông Zamaninia cũng bác bỏ thông tin hãng Reuters đưa ra gần đây cho rằng Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran. Ông nói: “Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của Iran trong giai đoạn “hậu trừng phạt” (liên quan tới chương trình hạt nhân)”.
Mặc dù giới phân tích cho rằng Iran cần có thêm một thời gian để phục hồi hoàn toàn hạ tầng xuất khẩu sau một thời gian giảm đầu tư vào lĩnh vực này vì bị áp trừng phạt. Tuy nhiên ngay cả thế, lượng dầu dự trữ lớn của nước này vẫn là một nguồn cung dồi dào ra thị trường trong khoảng thời gian chờ đợi đó.
Chứng khoán toàn cầu chao đảo
Thông tin về kế hoạch xuất khẩu dầu thô của Iran đã là nguyên nhân trực tiếp đẩy các thị trường chứng khoán Trung Đông nói riêng và chứng khoán thế giới nói chung vào những diễn biến kịch tính mới.
Tất cả 7 sàn chứng khoán tại các nước vùng Vịnh đều mất điểm. Chỉ số DFM General của Dubai giảm 4,8% xuống mức 2.682,56, trong khi đó chỉ số Tadawul All Share của Saudi Arabia mất 7% xuống còn 5.409,35, mức thấp nhất trong gần 5 năm qua.
Chỉ riêng chỉ số ở sàn Iran tăng 1% khiến nó trở thành một trong những thị trường hoạt động tốt nhất thế giới khi tăng tới 6% kể từ đầu năm.
Theo Independent, thống kê danh sách các tỷ phú của hãng tin Bloomberg cho biết, riêng trong tuần qua, hơn 115 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi tay các tỷ phú thế giới với 7 người trong họ mất tới hơn 1 tỷ USD chỉ trong ngày thứ sáu, 15-1.
Đứng đầu danh sách “mất tiền” của Bloomberg là tỷ phú Jeff Bezos, sáng lập tập đoàn Amazon.com. Kể từ đầu tháng 1-2016, ông Bezos mất 8,9 tỷ USD và mất thêm 1,9 tỷ USD trong ngày 15-1.
Tỷ phú Bill Gates mất 6,8 tỷ USD trong tổng tài sản thực, trong khi đó người giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin mất 6,4 tỷ USD.
Tổng cộng tài sản thực của 400 tỷ phú này đạt đỉnh điểm vào tháng 5-2015 với 4,3 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên kể từ đó tới nay con số này đã giảm 16%.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do chỉ số Dow Jones mất 391 điểm trong khi các thị trường chứng khoán châu Âu khác cũng lâm vào tình trạng lao dốc, nhiều người bắt đầu bán tống bán tháo cổ phiếu.
Chỉ số Shanghai Composite cũng “trở mặt”, bất chấp những nỗ lực phục hồi trước đó và rơi vào tình trạng thị trường giá xuống lần thứ hai trong vòng 7 tháng qua.
Chỉ có 9 trong số 400 tỷ phú có mức tăng trong tổng tài sản thực. Trong đó có tỷ phú dầu mỏ Mukesh Ambani của Ấn Độ, Chủ tịch tập đoàn Reliance có trụ sở tại Mumbai với tổng tài sản tăng thêm 620 triệu USD.
Theo Financial Times, tình trạng mất điểm tại các thị trường chứng khoán là do đợt lao dốc tiếp theo của giá dầu thô dẫn tới mốc mới dưới 30 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 12 năm.
Trần Đắc Luân