.

Thủ tướng Anh và nguy cơ "Brexit"

.

Những gì tốt cho nước Anh thì cũng tốt cho châu Âu. Đó là thông điệp mà Thủ tướng Anh David Cameron mang theo trong chuyến công cán đến các quốc gia trong châu lục già cỗi này để tìm kiếm sự ủng hộ cải cách Liên minh châu Âu (EU). Ông Cameron đang đứng trước áp lực lớn khi người dân Anh có thể bỏ phiếu ủng hộ giải pháp “Brexit” (Anh rời EU).

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) gặp gỡ người đồng cấp Hungary Viktor Orban khi đến thủ đô Budapest.                          Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) gặp gỡ người đồng cấp Hungary Viktor Orban khi đến thủ đô Budapest. Ảnh: AFP

Tuần trước, Thủ tướng Cameron đến Bỉ; còn tuần này ông đến Đức, Hungary và Hà Lan. Đến đâu, ông cũng nhận được những cam kết ủng hộ tham vọng thay đổi các quy định của EU để bảo vệ hệ thống phúc lợi của châu Âu.

Trong đó, sự ủng hộ của Thủ tướng Angela Merkel được cho là quan trọng nhất bởi Đức là nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble từng cảnh báo rằng, châu Âu phải làm tất cả những gì có thể để ngăn “thảm họa” Anh rời EU.

Thủ tướng Cameron dường như là nhân vật chính và quan trọng nhất đối với con đường sắp tới của nước Anh, tuy việc ở lại hay rời EU vẫn phải chờ lá phiếu của người dân xứ sở sương mù và cả sự thương lượng của ông với các đối tác châu Âu.

Nỗ lực ngoại giao con thoi của người đứng đầu nhà số 10 phố Downing là sự “vận động hành lang” nhằm hướng đến một thỏa thuận quy mô toàn EU, trong đó Anh sẽ có lợi hơn. Đề xuất cải cách của ông Cameron gồm 4 điểm: bảo vệ thị trường chung cho Anh và các nước thành viên EU khác nằm ngoài khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone); nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các nước thành viên EU; mở rộng quyền hạn cho Quốc hội các nước thành viên trong quá trình xây dựng luật tại Nghị viện châu Âu; thắt chặt luật nhập cư.

Trong đó, vấn đề lao động nhập cư đang gây nhiều tranh cãi. Ông Cameron muốn giảm phúc lợi đối với người nhập cư nhưng các nước EU khác cho rằng, yêu cầu này sẽ ảnh hưởng nguyên tắc về tự do đi lại của khối và dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử giữa các công dân EU về lợi ích mà họ được hưởng.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017 nhưng ông Cameron có thể sẽ đẩy nhanh việc bỏ phiếu vào tháng 6 năm nay. Song, khi nhóm họp vào tháng 2 tới, nếu các nhà lãnh đạo liên minh không tìm được tiếng nói chung, nghĩa là đề xuất cải cách của ông Cameron bị “phá sản” thì nguy cơ Anh rời EU là khó tránh khỏi.

Việc Anh muốn rời EU xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính của khối eurozone. Nước Anh không nằm trong khối eurozone nhưng người dân Anh nhận thấy việc tham gia EU không còn mang lại cho họ những lợi ích như trước đây nữa, mà trái lại có quá nhiều ràng buộc.

Năm 1973, Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC, tiền thân của EU). Năm 1975, một cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EEC từng được tổ chức ở Anh và hơn 67% cử tri nói “không” với việc rút lui này. Vậy mà giờ đây, sau 40 năm, 50% cử tri Anh muốn quay lưng với EU, đó là chưa kể số cử tri chưa quyết định.

Nhiều kịch bản tồi tệ về viễn cảnh Anh rời EU kể từ ngày 1-1-2018 được đặt ra. Có thể đó không phải là “thảm họa” như dự báo. Trái lại, người dân Anh cho rằng, họ sẽ không “chìm nghỉm”, không yếu đi về mặt kinh tế.

Vì vậy, khó khăn đang đặt ra cho ông Cameron khi vừa giải quyết hài hòa mong muốn của cử tri, vừa bảo đảm lợi ích cho nước Anh và cho EU, để quốc gia của ông ở lại trong một EU cạnh tranh, linh hoạt, phi tập quyền, dân chủ và công bằng. “Brexit” là điều mà ông Cameron không mong muốn.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.