Trong thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhấn mạnh rằng: “Với TPP, Trung Quốc không thể đặt ra các quy tắc riêng cho khu vực, nhưng chúng ta có thể”.
Tổng thống Obama kết thúc bài thông điệp liên bang sau khoảng 1 giờ (Ảnh: AFP) |
Lần thứ 7 và cũng là lần cuối trên cương vị tổng thống, ông Barack Obama hôm nay 13-1 đọc thông điệp liên bang tại quốc hội để trình bày tầm nhìn của mình không chỉ về những tháng còn lại trong nhiệm kỳ mà cả về tương lai của nước Mỹ.
Kết thúc thông điệp, ông Obama chia sẻ ông tin tưởng vào tương lai nước Mỹ khi nhìn vào những người công nhân sẵn sàng làm tăng ca để phát triển công ty, hay các nhà khoa học không ngừng cống hiến, binh sỹ sẵn sàng làm tất cả để cứu giúp đồng đội, hay một phụ nữ trung niên xếp hàng chờ bỏ phiếu…
“Đó là những người Mỹ mà tôi biết. Đó là đất nước mà chúng ta yêu quý. Điều này khiến tôi lạc quan vào tương lai của chúng ta. Bởi vì có các bạn. Tôi tin tưởng ở các bạn. Đó là lý do tại sao tôi đứng đây và tự tin rằng Thông điệp liên bang này đủ mạnh mẽ”.
Điều cuối cùng ông Obama muốn nói trong Thông điệp liên bang đó là kêu gọi hợp tác lưỡng đảng trong quốc hội. Ông Obama cũng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khi còn đương chức.
Ông Obama đọc thông điệp tại đồi Capitol (Ảnh: AFP) |
Cuộc chiến chống IS không phải Thế chiến 3
Liên quan đến vấn đề quốc tế, ông Obama phản bác ý kiến của một số nghị sỹ Cộng hòa và một số người cho rằng chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một cuộc chiến dân sự hay Thế chiến thứ 3. Ông cho rằng, ưu tiên số một của Mỹ là bảo vệ người dân trước mối đe dọa của các mạng lưới khủng bố. Theo ông, cả al-Qeada và IS hiện đều là mối đe dọa trực tiếp với người Mỹ.
Hơn 1 năm qua Mỹ đã dẫn dắt liên minh gồm hơn 60 nước triển khai chiến dịch chống IS với các hoạt động chặn nguồn tài chính, ngăn tổ chức này chiêu mộ tay súng… “Với gần 10.000 cuộc không kích, chúng ta đã tiêu diệt thủ lĩnh của chúng, phá hủy các cơ sở dầu, trại huấn luyện và vũ khí của chúng. Chúng ta đang huấn luyện, trang bị vũ khí và hỗ trợ các lực lượng địa phương giành lại quyền kiểm soát ở Iraq và Syria”, ông Obama nói.
Theo ông, nếu quốc hội Mỹ nghiêm túc về cuộc chiến này và muốn gửi thông điệp đến lực lượng quân đội của Mỹ cũng như đến thế giới, thì quốc hội cần thông qua kế hoạch sử dụng quân đội để đánh IS. “Vấn đề này nên được đưa ra biểu quyết”, ông Obama nói.
Ông Obama cũng lên tiếng bảo vệ chính sách đối ngoại của mình, cho rằng đó là phương thức tiếp cận khôn khéo, ví dụ như chính sách ở Syria hay Iraq.
“Mỹ sẽ hành động đơn phương nếu cần thiết để bảo vệ người dân và đồng minh, nhưng với các vấn đề quốc tế quan tâm, chúng ta sẽ vận động cả thế giới hợp tác và đảm bảo các nước khác có thể thể hiện phần trách nhiệm của mình”, ông Obama nói. Đó chính là chính sách đối ngoại của Mỹ trong các cuộc chiến như ở Syria, ông Obama nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm: “Đó là lý do tại sao chúng ta phải lập một liên minh toàn cầu, dùng lệnh trừng phạt và các phương thức ngoại giao để ngăn chặn một nhà nước hạt nhân Iran. Iran đã ngừng chương trình hạt nhân của họ, chuyển uranium làm giàu ra khỏi đất nước họ và thế giới tránh được một cuộc chiến nữa”.
Ông cho rằng, đó cũng chính là phương thức mà quân đội Mỹ, nhân viên y tế Mỹ đã giúp ngăn chặn đại dịch Ebola ở Tây Phi. Nó cho phép các quốc gia khác cùng hợp tác để ngăn chặn đại dịch.
TPP sẽ củng cố vai trò của Mỹ ở châu Á
Trong bài phát biểu, ông Obama đã hối thúc quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhấn mạnh tới vai trò của hiệp định này.
Ông nói Mỹ theo đuổi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương để mở cửa thị trường, bảo vệ người lao động, môi trường, và củng cố vai trò của Mỹ ở châu Á. Nhà Trắng ước tính, TPP sẽ loại bỏ 18.000 thuế quan đối với hàng hóa Mỹ và giúp tạo thêm việc làm.
“Với TPP, Trung Quốc không thể đặt ra các quy tắc riêng cho khu vực, nhưng chúng ta có thể. Các ngài có muốn thể hiện sức mạnh của nước Mỹ trong thế kỷ này? Vậy hãy thông qua hiệp định này. Cho chúng tôi công cụ để thực thi nó”, ông Obama nói.
Ông nhấn mạnh: “Vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế kỷ 21 không phải là lựa chọn giữa việc phớt lờ thế giới bên ngoài hay chiếm đoạt và tái thiết xã hội đang rạn nứt. Lãnh đạo nghĩa là sử dụng một cách khôn khéo sức mạnh quân sự, là coi việc hỗ trợ nước ngoài như một phần an ninh quốc gia, không phải là sự bố thí. Mặc dù chúng ta đã dẫn dắt gần 200 quốc gia để đạt thỏa thuận lịch sử về chống biến đổi khí hậu giúp những nước bị ảnh hưởng nhưng cũng là bảo vệ con cháu của chúng ta. Khi chúng ta giúp Ukraine bảo vệ nền dân chủ của họ hay giúp Colombia chấm dứt cuộc chiến kéo dài hàng thập niên cũng là nhằm củng cố trật tự quốc tế mà chúng ta là một phần trong đó”.
Luận bàn về khoa học phục vụ con người, ông Obama nêu dẫn chứng về nỗ lực tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh ung thư. “Năm ngoái, Phó Tổng thống Joe Biden nói rằng phương pháp điều trị moonshot có thể giúp điều trị ung thư… Chúng ta có thể cứu chữa, và hãy để Mỹ trở thành quốc gia có thể chữa trị căn bệnh ung thư này cho tất cả mọi người”.
Trước đó, ông Biden tuyên bố sẽ dành 15 tháng cuối của nhiệm kỳ để tập trung cho dự án nói trên. Và chỉ vài giờ trước khi Tổng thống đọc Thông điệp liên bang, liên minh gồm các nhà sản xuất thuốc và các hãng bảo hiểm đã tuyên bố thành lập Cancer MoonShot 2020 - một nhóm có chức năng đẩy nhanh phát triển các phương pháp mới điều trị ung thư.
Ông Obama đọc thông điệp liên bang cuối cùng (Ảnh: AFP) |
Mỹ là nền kinh tế mạnh nhất thế giới
Bàn về kinh tế Mỹ, ông Obama nói: “Mỹ hiện là nền kinh tế mạnh nhất và bền vững nhất trên thế giới”. Ông trích dẫn, năm 2014 và 2015 là 2 năm tăng trưởng tốt nhất của thị trường việc làm ở Mỹ kể từ những năm 1990. Trong vòng 70 tháng qua, kinh tế Mỹ đã tạo thêm 14,1 triệu việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống 5%-mức thấp nhất 7 năm rưỡi.
Tuy nhiên, tăng trưởng lương ở Mỹ năm 2015 chỉ đạt 2,5% trong khi ngưỡng tăng trưởng hợp lý phải ít nhất 3-4%.
Về vấn đề giáo dục, ông Obama kêu gọi cắt giảm học phí cho sinh viên và miễn học phí cho các học viên trường cộng đồng. Ông cho biết tiếp tục nỗ lực để đấu tranh cho vấn đề này trong năm nay để đảm bảo mọi người dân Mỹ đều có thể đến trường.
4 câu hỏi lớn
Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, nước Mỹ đang đối mặt với 4 câu hỏi lớn đó là:
Thứ nhất, làm thế nào để mang lại sự công bằng về cơ hội cũng như an ninh cho tất cả mọi người trong tình hình kinh tế mới.
Thứ hai, làm thế nào để dùng công nghệ phục vụ con người, thay vì chống lại con người, đặc biệt là khi phải giải quyết các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu.
Thứ ba, làm thế nào để nước Mỹ an toàn và tiếp tục dẫn dắt thế giới mà không trở thành “cảnh sát thế giới”.
Thứ tư, làm thế nào để chính trị phản ánh những điều tốt đẹp nhất của nước Mỹ chứ không phải những gì tồi tệ nhất.
Ông Obama bắt tay các nghị sĩ khi tới quốc hội (Ảnh: AFP) |
Ông Obama nói, nước Mỹ đã có những thay đổi lớn sau khi vượt qua các cuộc chiến tranh và suy thoái kinh tế. Theo ông, điều quan trọng là người Mỹ biết vượt qua sự sợ hãi. “Chúng ta đã suy nghĩ mới mẻ, hành động mới mẻ… Bởi vì chúng ta nhìn thấy cơ hội ở những nơi mà người khác chỉ thấy sự nguy hiểm, chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn trước kia”.
Ông Obama bắt đầu Thông điệp liên bang bằng việc biểu dương những nỗ lực các nghị sỹ Cộng hòa nhằm thông qua kế hoạch ngân sách liên bang, đồng thời kêu gọi hợp tác hơn nữa giữa 2 đảng. Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh: “Với Thông điệp liên bang cuối cùng này, tôi không muốn chỉ nói về năm tới, tôi muốn tập trung vào các vấn đề 5 năm, 10 năm tới hoặc xa hơn thế”.
Các nghị sĩ theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Obama (Ảnh: AFP) |
Tổng thống Mỹ thường đọc Thông điệp Liên bang trong một phiên họp của hai viện (Thượng viện và Hạ viện) của quốc hội Mỹ với sự có mặt của Chánh án Tòa án Tối cao, các thành viên trong Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và các thành viên chính phủ. Việc đọc thông điệp thường kéo dài không quá 1 giờ đồng hồ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho hay không như năm ngoái, khi ông Obama liệt kê các đề xuất cụ thể, bao gồm cả các sáng kiến miễn học phí đại học cộng đồng và tăng cường an ninh không gian mạng, năm nay Tổng thống sẽ tập trung vào viễn cảnh dài hạn của đất nước, đồng thời phản bác một số ý kiến bi quan thể hiện trong cả các cuộc thăm dò dư luận cũng như trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống.
Các quan chức Nhà Trắng cũng cho hay tuy Tổng thống Obama sẽ không liệt kê một danh sách những thành tựu trong bản thông điệp, nhưng tổng thống Mỹ dự kiến sẽ nhấn mạnh tới một việc là đất nước đã tiến bộ rất nhiều kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2009. Thực tế, trong một đoạn video ngắn mới được Nhà Trắng đăng tải ngày 6-1, ông Obama cho biết bản Thông điệp Liên bang sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến tương lai nước Mỹ.
Về các vấn đề toàn cầu, ông Obama nhiều khả năng sẽ nói về những thành công ngoại giao gần đây trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt được thoả thuận hạt nhân với Iran, và làm việc để đạt được một hiệp định khí hậu quốc tế ở Paris.
Tổng thống Obama (Ảnh: Getty) |
Tuy ông Obama nhiều khả năng sẽ không nêu ra những đề xuất lập pháp cụ thể với quốc hội, song ông được trông đợi sẽ kêu gọi các nhà lập pháp quan tâm đến những công việc dang dở trước khi ông rời chức vụ, trong đó có việc phê chuẩn hiệp định hợp tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương và tiến hành các bước để đóng cửa nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba.
Năm ngoái, ước tính có khoảng 32 triệu người đã theo dõi Thông điệp liên bang của ông Obama - thấp nhất trong vòng 15 năm kể từ khi Tổng thống Bill Clinton đọc Thông điệp liên bang lần 7.
Theo Dân trí