Philippines đã chính thức trao công hàm phản đối các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc tới một đường băng do Bắc Kinh mới xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ảnh: EPA |
Theo TTXVN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose xác nhận việc nước ông đã trao công hàm phản đối máy bay của Trung Quốc ra sân bay mà Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Jose cũng nói rằng, Philippines phản đối việc Trung Quốc có “những hành động khiêu khích hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông. “Những hành động đó của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, vi phạm tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, ông Charles Jose nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 7-1, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã bày tỏ quan ngại rằng, những chuyến bay thử nghiệm và việc Trung Quốc cho máy bay hạ cánh xuống Đá Chữ Thập có thể dẫn tới việc Bắc Kinh kiểm soát cả vùng trời lẫn vùng biển trong khu vực này.
Từ đầu năm 2016 đến nay, 3 máy bay Trung Quốc đã hạ cánh trên đường băng ở hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, lần đầu tiên vào ngày 2-1, sau đó 2 chiếc khác vào ngày 6-1.
Phía Malaysia cũng lên tiếng. Báo New Straits Times của Malaysia dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao nước này, ông Anifah Aman, cho rằng việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử nghiệm xuống đường băng mà họ xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã tạo môi trường không thuận lợi đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo Bộ trưởng Aman, hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và tranh chấp ở Biển Đông theo đó ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước.
Ông Anifah nhấn mạnh: Điều quan trọng đối với tất cả các bên là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và DOC. Tất cả các bên phải tìm cách nâng cao sự hiểu biết chung, tăng cường lòng tin và tránh bất kỳ hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng.
Tất cả các bên phải duy trì cam kết nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Nhà ngoại giao hàng đầu của Malaysia cho rằng, nên tiếp tục nỗ lực ở cấp độ khu vực, đặc biệt là ở cấp độ ASEAN, nhằm duy trì hòa bình trên Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, theo trang mạng Riafan (Hãng thông tấn Liên bang) của Nga, không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả Mỹ cũng đang nghi ngờ chính sách của Trung Quốc. Nhà Trắng không che giấu mối quan tâm của mình đối với chính sách của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các hành động đơn phương của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Không những thế, Washington còn cho rằng, các hành động tương tự như vậy đang phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực và rất dễ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông.
Ngoài Philippines, Malaysia, Nhật Bản cũng phản đối mạnh mẽ động thái của Trung Quốc. Trong đó, Nhật Bản và Philippines nói rằng, họ cũng có lợi ích trong việc duy trì sự ổn định ở Biển Đông, đồng thời đang tăng cường tuần tra ở vùng biển tranh chấp.
Theo Tokyo và Manila, việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tới hơn 80% diện tích vùng nước, cũng chính là tuyến đường thương mại quan trọng mà mỗi quốc gia trong số họ đều có lợi ích của mình ở đó, là điều hoàn toàn không hợp lý.
THIÊN BÌNH tổng hợp