ĐNĐT - Ngày 19-2, Australia và New Zealand đề nghị Trung Quốc kiềm chế các hành động gây căng thẳng trên Biển Đông, sau khi có hàng loạt tin tức nói rằng, Trung Quốc đã điều động các hệ thống tên lửa đối không tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Thủ tướng New Zealand, John Key (phải) và người đồng cấp Australia, Malcolm Turnbull trong một cuộc họp báo ngày 17-10-2015 ở thủ đô Aukland, New Zealand. Ảnh: AFP |
Phát biểu tại thủ đô Sydney sau cuộc gặp gỡ người đồng cấp New Zealand - John Key, Thủ tướng Australia - Malcolm Turnbull đã nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi các bên tuyên bố trên Biển Đông kiềm chế việc xây dựng các hòn đảo, kiềm chế mọi hành động quân sự hóa các hòn đảo và kiềm chế bất kỳ việc cải tạo đất nào”. Theo ông, điều cần thiết nhất là phải “hạ nhiệt” tình hình trong khu vực.
Ông Turnbull nói rằng, nếu một cường quốc trỗi dậy gây nên sự sợ hãi trong khu vực dẫn tới leo thang chiến tranh, thì ông phải giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
Với vai trò là nước đầu tiên công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường và ký với nước này thỏa thuận thương mại song phương, New Zealand đang xem xét lại quan hệ với Trung Quốc nhằm thúc giục các biện pháp làm giảm căng thẳng, ông Key cho biết.
Ông Key nhấn mạnh rằng, việc làm giảm căng thẳng tại biển Đông sẽ giúp mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước sâu sắc, gần gũi hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn. Cả Australia và New Zealand hiện là một phần của Ngân hàng Đầu tư Châu Á.
Trước đó, ngày 18-2, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông khi đưa các tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, John Kirby cho biết, hình ảnh trên vệ tinh cho thấy Trung Quốc lắp đặt các tên lửa trên đảo Phú Lâm tại Hoàng Sa và điều này đi ngược lại với lời hứa của không quân sự hóa Biển Đông.
“Trung Quốc nói một đường nhưng làm một nẻo” - ông Kirby nhận định trong một buổi điểm tin thường kỳ.
Trước đó, hôm 17-2, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, John Kerry nói rằng, Mỹ sẽ “có các cuộc nói chuyện nghiêm túc” với Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông.
Quang Hiển (Theo AFP)