Nga cho rằng, hàng loạt vụ đánh bom liều chết ở Syria do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện nhằm làm chệch hướng tiến trình đàm phán hòa bình ở quốc gia Trung Đông này.
Các vụ đánh bom liều chết ở thành phố Homs gây chấn động Syria. Ảnh: AFP |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 22-2 nêu rõ: Các tội ác tàn bạo của những kẻ cực đoan nhằm phá hoại những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng Syria, vì lợi ích của tất cả người dân Syria và những nỗ lực để chấm dứt bạo lực, đổ máu.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích mạnh mẽ những gì mà cơ quan này gọi là các cuộc tấn công khủng bố trong thời gian gần đây ở Syria, đồng thời kêu gọi hành động toàn cầu. “Chúng tôi cho rằng, các hành vi tội ác đáng ghê tởm như thế cần có phản ứng từ cộng đồng quốc tế”, tuyên bố nhấn mạnh.
Mátxcơva khẳng định cần phải chặn đứng mưu toan của IS và các tổ chức khủng bố khác, vốn đang muốn kích động hận thù giữa các tôn giáo. Đặc sứ Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura cũng lên án các vụ tấn công.
Các vụ đánh bom xảy ra ở quận phía nam của thủ đô Damascus vào ngày 21-2 đã làm ít nhất 87 người chết; 2 vụ đánh bom kép bằng ô-tô ở thành phố Homs làm ít nhất 59 người thiệt mạng và 100 người khác bị thương. Những vụ việc đẫm máu này gây chấn động Syria, đồng thời dự báo những bất ổn vẫn tiếp diễn ở đất nước đang rơi vào tình trạng nội chiến này. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cả hai vụ việc.
Các cường quốc đang nỗ lực thúc đẩy ngừng chiến để mở đường cho các cuộc đàm phán mới nhằm chấm dứt khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, đến nay, thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa thể đạt được. Đàm phán do LHQ hậu thuẫn đã sụp đổ hồi đầu tháng này ở Geneva (Thụy Sĩ) và được dự kiến nối lại vào ngày 25-2 tới. Song, ông Staffan de Mistura cho rằng, việc tổ chức đàm phán vào thời gian này là không thực tế.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã đạt được thỏa thuận tạm thời liên quan đến những điều khoản trong việc chấm dứt các hành động thù địch ở Syria. Trong những ngày tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận về thỏa thuận này.
Bộ Ngoại giao Nga xác nhận việc hai ngoại trưởng đã trao đổi qua điện thoại về thỏa thuận ngừng bắn. Song, các tổ chức khủng bố như IS và Mặt trận Al-Nusra đều không nằm trong thỏa thuận này.
Hãng Reuters cho biết, phe đối lập Syria trước đó đã thống nhất khả năng ngừng bắn tạm thời, với 3 điều kiện kèm theo bao gồm: Nga, đồng minh của chính phủ Damascus, phải ngừng bắn; chấm dứt các hoạt động bao vây và cho phép cung cấp viện trợ. Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn, với điều kiện các phần tử khủng bố không lợi dụng lệnh ngừng bắn này.
Theo AFP, hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy các bên đang chuẩn bị ngừng giao tranh. Nga là “kiến trúc sư chủ chốt” trong việc đề xuất thỏa thuận ngừng bắn. Song, Mátxcơva dường như sẽ không hạn chế các cuộc không kích - chiến dịch mà nước này đã bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái ở Syria nhằm ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad.
Ngày 22-2, Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - nhóm đối lập chính ở Syria - nhóm họp tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để bàn thảo về việc ngừng bắn và đàm phán hòa bình. Cuộc họp này được cho là kéo dài từ 2 hoặc 3 ngày. Tuy nhiên, không có thông tin nào cho thấy HNC sẽ nhượng bộ để thúc đẩy đàm phán với chính phủ Damascus.
BÌNH YÊN