Thủ tướng Anh David Cameron muốn đạt được sự đồng thuận với Liên minh châu Âu (EU) trong việc cải cách khối này, để nước ông không phải rời EU. Tuy nhiên, chưa có gì bảo đảm Anh có thể tiếp tục ở lại “mái nhà chung”.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels. Ảnh: AP |
Đến Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 18 và 19-2, Thủ tướng David Cameron mong muốn các nhà lãnh đạo khối này vượt qua những trở ngại để điều chỉnh mối quan hệ giữa Anh với liên minh 28 nước. Nếu Anh và EU tìm được tiếng nói chung - thống nhất đề xuất cải cách liên minh thì sẽ đánh dấu chiến thắng của ông Cameron trước khi London tiến hành trưng cầu dân ý vào tháng 6 tới về việc nên ở lại hay rời khối.
Hãng Reuters cho biết, để chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh lần này, Thủ tướng Cameron đã có những nỗ lực ngoại giao đáng kể, ông đến các nước châu Âu vận động ủng hộ các đề xuất cải cách để giữ nước Anh ở lại EU.
Kiến nghị cải cách gồm 4 điểm mà ông Cameron đưa ra bao gồm: bảo vệ thị trường chung cho Anh và các nước thành viên EU khác không nằm trong 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone); tăng tính cạnh tranh của EU, trong đó có biện pháp cắt giảm chi phí kinh doanh; tăng cường vai trò của quốc hội các nước thành viên trong quá trình xây dựng luật tại Nghị viện châu Âu; hạn chế tiếp cận thanh toán phúc lợi xã hội cho lao động nhập cư.
Song, chính sách gây tranh cãi nhiều nhất là việc hạn chế các công dân EU hưởng phúc lợi tại Anh trong 4 năm. Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác, vốn có hàng trăm ngàn công dân đang làm việc ở Anh, không đồng ý với yêu cầu giảm phúc lợi.
Các nước này cho rằng, làm như thế sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử và hủy hoại những nguyên tắc cốt lõi của EU. Theo Reuters, các nhà lãnh đạo EU quan ngại những yêu cầu của ông Cameron sẽ tạo ra tiền lệ khuyến khích các nước khác đòi khối này phải thay đổi tư cách thành viên của nước họ.
Trong khi đó, theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhiều đề xuất của Anh hợp lý và khả thi. Bà Merkel ủng hộ yêu cầu cải cách hệ thống phúc lợi trong EU, cho rằng mỗi nước thành viên đều có quyền bảo vệ hệ thống xã hội của mình. “Cũng như ông David Cameron, tôi tin rằng, EU cần thúc đẩy tính cạnh tranh, minh bạch và giảm sự quan liêu”, bà Merkel nói. Song, nhà lãnh đạo Đức bảo vệ nguyên tắc tự do đi lại trong EU.
Ông Cameron từng cho rằng, nếu hội nghị lần này đạt được thỏa thuận thì tất cả các thành viên EU cần phải thực hiện và “chỉ có thể thay đổi nếu 28 quốc gia, trong đó có Anh đồng ý thay đổi”.
Trong lúc Thủ tướng Cameron vẫn lạc quan, Chủ tịch EU Donald Tusk ngày 18-2 cảnh báo, không có gì bảo đảm sẽ đạt được thỏa thuận tại Brussels. Trong thư gửi các lãnh đạo EU chỉ vài giờ trước khi diễn ra hội nghị, ông Tusk đã bày tỏ quan điểm này, đồng thời cho biết vẫn còn nhiều khác biệt khó giải quyết giữa khối 28 thành viên với Anh trong một số vấn đề chính trị.
Ông Tusk cũng cho rằng, đàm phán tại Brussels sẽ rất khó khăn và nếu không thành công là thất bại đối với cả Anh lẫn EU. “Đây là thời khắc quyết định cho sự đoàn kết liên minh”, ông Tusk nói.
Ban đầu, Thủ tướng Cameron cam kết tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017. Song, với nhiều áp lực từ phía các đảng đối lập trong nước, ông kêu gọi trưng cầu dân ý vào tháng 6 tới. Thực tế, cả Anh lẫn EU đều muốn đạt được một thỏa thuận tại hội nghị Brussels. Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận này, ông Tusk có thể triệu tập hội nghị thượng đỉnh bổ sung vào đầu tháng 3 tới, để Anh kịp tổ chức trưng cầu dân ý.
Các nhà quan sát cho rằng, dù nước Anh phải trải qua cuộc trưng cầu dân ý thì việc quốc gia này đi hay ở lại EU vẫn phụ thuộc vào sự thương lượng của ông Cameron với khối này.
PHÚC NGUYÊN