.

Châu Âu loay hoay với khủng hoảng nhập cư

.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) ngày 19-2, các nhà lãnh đạo phản đối những hành động đơn phương sau khi Áo tuyên bố áp đặt hạn ngạch chỉ tiếp nhận 80 người tị nạn mỗi ngày.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels, Bỉ. Hy Lạp cho rằng, đóng cửa biên giới Balkan sẽ khơi mào cho cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở nước này và không ngăn được dòng người nhập cư. 					            Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels, Bỉ. Hy Lạp cho rằng, đóng cửa biên giới Balkan sẽ khơi mào cho cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở nước này và không ngăn được dòng người nhập cư. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo EU thống nhất thực thi các thỏa thuận liên quan đến khủng hoảng nhập cư, đặc biệt là thỏa thuận hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng AFP cho biết, phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donal Tusk khẳng định: “Chúng tôi thống nhất rằng, kế hoạch hành động chung của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là ưu tiên và chúng tôi phải làm mọi việc có thể để đạt được thành công”.

Cuộc họp giữa lãnh đạo 11 nước EU với Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels nhưng đã bị hoãn vì Thủ tướng Thổ Ahmet Davutoglu không thể tham dự sau khi Ankara bị đánh bom vào đêm 17-2 (giờ địa phương) làm 28 người chết.

EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào đầu tháng 3 tới để thúc đẩy thỏa thuận nhằm ngăn dòng người nhập cư và xử lý những kẻ buôn bán người. Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận hội nghị thượng đỉnh đặc biệt nói trên có thể diễn ra vào ngày 5-3 hoặc 7-3.

Nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tị nạn, bà nói rằng, lần nhóm họp này ở Brussels chưa quyết định vấn đề phân bổ hạn ngạch đối với 160.000 người tị nạn hiện nay, mà vấn đề tập trung bàn thảo chính là kế hoạch hành động EU - Thổ Nhĩ Kỳ.

Kế hoạch hành động EU - Thổ Nhĩ Kỳ được hai bên ký kết vào tháng 3-2014. Theo đó, Thổ ngăn người nhập cư ở biên giới EU để đổi lấy khoản tài chính 3 tỷ USD, đồng thời được xem xét gia nhập EU, dù Ankara chỉ mới hoàn tất được 1/35 điều khoản gia nhập.

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch hành động này gặp nhiều khó khăn, áp lực, bởi hàng ngàn người nhập cư hiện vẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Aegea mỗi ngày để tìm cách vào sâu trong châu Âu sau khi hơn 1 triệu người đã trải qua hành trình nguy hiểm như thế vào năm ngoái.

Trong khi đó, các nước Trung Âu cam kết sẽ thúc đẩy siết chặt kiểm soát biên giới khu vực đi lại tự do Schengen cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ giảm số nhập cư trái phép xuống còn 1.500-2.000 người/ngày.
Về phía Áo, nước này ủng hộ kế hoạch EU - Thổ Nhĩ Kỳ. Song, ngày 19-2, Áo tuyên bố chỉ tiếp nhận tối đa 80 đơn xin tị nạn/ngày.

Ngoài ra, nước này cũng hạn chế số người di cư qua lãnh thổ để đến các quốc gia láng giềng tìm kiếm tị nạn ở mức 3.200 người/ngày. Quyết định này bị chỉ trích rằng sẽ có thể dẫn tới tình trạng dồn ứ người tị nạn cho phía Slovenia và gây sức ép căng thẳng ở khu vực biên giới.

Trong thư gửi chính phủ Áo, Cao ủy phụ trách vấn đề di cư của châu Âu Dimitris Avramopoulos cho rằng, kế hoạch này “rõ ràng không phù hợp” với luật của EU và Vienna nên xem xét lại. Theo ông Avramopoulos, Áo phải có trách nhiệm nhận tất cả đơn xin tị nạn trong lãnh thổ và tại biên giới nước mình.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng chỉ trích quyết định của Áo và nhận định điều này không phù hợp với luật EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Áo Werner Faymann khẳng định kế hoạch của nước ông sẽ không có gì thay đổi. Từ tháng 1-2016, đất nước của 9 triệu người tiếp nhận mỗi ngày 11.000 đơn xin tị nạn (khoảng 250 đơn/ngày).

Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Di cư của Hy Lạp Yannis Mouzalas cho hay, việc đóng cửa vùng Balkan sẽ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn và không ngăn được dòng người tị nạn. Các nước thành viên EU như Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia vẫn phản đối bất kỳ hạn ngạch phân bổ tiếp nhận người tị nạn nào được áp đặt; đồng thời muốn thắt chặt kiểm soát biên giới vùng Balkan - các nước láng giềng của Hy Lạp, nếu nỗ lực ngăn dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp không thành công.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho rằng, châu Âu đã “hoàn toàn thất bại” trong việc phản ứng với khủng hoảng nhập cư. Đến nay, hạn ngạch tiếp nhận 160.000 người tị nạn vẫn chưa được phân bổ hoàn tất. Hiện chỉ có 583 người được bố trí chỗ ở. Ông Grandi kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết để tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết bài toán nhập cư này.

Trong năm 2015, hơn 1 triệu người đã đến Đức. Song, Thủ tướng Merkel hiện vẫn không áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn trong năm nay, dù bà đang đối diện với phản ứng từ chính đảng cầm quyền của mình.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.