Quốc tế

Nhân vật

Phép thử với Tổng thống Hassan Rouhani

12:59, 27/02/2016 (GMT+7)

Cuộc tổng tuyển cử vào ngày 26-2 được cho là phép thử quan trọng đối với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một người ôn hòa đang mong muốn ngăn chặn sự thống trị của phe bảo thủ và tiến hành cải cách đất nước sau một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc (nhóm P5+1).

Tổng thống Hassan Rouhani bỏ phiếu tại thủ đô Tehran. 	 Ảnh: AP
Tổng thống Hassan Rouhani bỏ phiếu tại thủ đô Tehran. Ảnh: AP

Theo đó, 55 triệu cử tri đi bỏ phiếu để bầu 290 nghị sĩ với nhiệm kỳ 4 năm và 88 giáo sĩ thuộc Hội đồng chuyên gia nhiệm kỳ - cơ quan có nhiệm kỳ 8 năm này phụ trách giám sát công việc của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Hãng AFP cho rằng, tổng tuyển cử chính là cuộc trưng cầu dân ý với chính phủ của Tổng thống Rouhani khi ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ 2, đối đầu với phe bảo thủ do cựu Chủ tịch Quốc hội Gholam-Ali Hadad Adel đừng đầu. Chính ông Rouhani đã mở toang cánh cửa, thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, bất chấp những áp lực chính trị trong nước, từ đó đưa Iran gần hơn với thế giới.

Thỏa thuận làm gia tăng hy vọng về một “chương mới” ở Iran, nhưng nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn ảm đạm sau một thập niên bị phương Tây trừng phạt. Vì vậy, nếu cử tri ủng hộ “danh sách hy vọng” (các ứng viên thân với ông Rouhani) thì Tổng thống có thể cân bằng được quyền lực tại Quốc hội và thực hiện những cải cách, đồng thời đưa Iran xích lại gần Mỹ hơn.

Sau khi bỏ phiếu, vị Tổng thống 67 tuổi vốn đề cao tôn giáo và cải cách đã cam kết bảo vệ sự toàn vẹn của cuộc bầu cử. “Chính phủ cho rằng, bầu cử là sự ghi dấu đáng kể về niềm tin”, ông nói.

Dẫn đầu “danh sách hy vọng” là cựu Phó Tổng thống Mohammad Reza Aref, từng làm việc dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami từ năm 1997-2005. “Nếu chúng ta chiến thắng, con đường sẽ trở nên thênh thang hơn”, ông Aref nói với AFP.

Khi ông Hassan Fereydoon Rouhani (tên đầy đủ của ông Rouhani) được bầu làm Tổng thống vào tháng 6-2013, ông tuyên bố sẽ làm rõ vấn đề hạt nhân trong vòng từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, tiến trình này đã kéo dài hơn 2 năm. Suốt thời gian đó, chính phủ của ông vẫn bền bỉ theo đuổi đàm phán.

Khi thỏa thuận đạt được vào tháng 7-2015, Tổng thống Rouhani không xuất hiện trên truyền hình để nói với người dân Iran rằng, ông đã hoàn thành cam kết. Song, điều chắc chắn là trong cuộc đấu tranh quyền lực giữa phe bảo thủ và phe ôn hòa ở Iran, thỏa thuận hạt nhân đã củng cố vị trí của ông Rouhani.

Năm 2013, người dân Iran đã quay lưng với đường lối bảo thủ để chọn đường lối ôn hòa, cụ thể là chọn ông Rouhani, một nhân vật quan trọng trong đời sống chính trị của Tehran kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979. Có thể giờ đây, họ sẽ tiếp tục trao quyền cho những người ôn hòa cùng kỳ vọng về “sự tương tác mang tính xây dựng với thế giới”.

VĨNH AN

.