Đạt được thỏa thuận cùng Liên minh châu Âu (EU) về việc giữ Anh ở lại “mái nhà chung”, Thủ tướng David Cameron vẫn chưa hết lo lắng khi đối mặt với những người có tư tưởng cứng rắn trong đảng Bảo thủ cầm quyền. Hiện vẫn chưa có gì chắc chắn về việc nước Anh sẽ ở lại hay rời EU.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu với báo giới sau Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng David Cameron không muốn Anh rời EU, tổ chức mà nước ông đã gia nhập từ năm 1973. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hay Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng không muốn mối liên kết của liên minh bị phá vỡ.
Thỏa thuận giữa Anh với EU tại Brussels (Bỉ) hôm 19-2 vừa qua trao cho London “quy chế đặc biệt”, đánh dấu sự nhượng bộ của khối gồm 28 thành viên, đồng thời đánh dấu thắng lợi lớn của ông Cameron sau những nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm tiếng nói chung.
Thỏa thuận bao gồm: cắt giảm phúc lợi cho con cái của những người di cư EU đang sống ở nước ngoài, áp dụng ngay lập tức cho những người mới đến và từ năm 2020 cho 34.000 người đang xin tị nạn; sửa đổi các hiệp ước EU để Anh được miễn trừ đối với điều khoản xây dựng một liên minh ngày càng chặt chẽ hơn; dừng khẩn cấp quyền lợi của lao động nhập cư và biện pháp này sẽ được áp dụng trong 7 năm, tức ít hơn so với 13 năm mà Thủ tướng Cameron đã đề nghị; cho phép Anh thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trung tâm tài chính London…
Tuy nhiên, chỉ một vài tiếng đồng hồ sau khi đạt được thỏa thuận nói trên, một trong những đồng minh thân thiết nhất của ông Cameron là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove cùng 5 Bộ trưởng khác tuyên bố sẽ chống lại Thủ tướng trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới, tức sẽ vận động người dân bỏ phiếu rời EU.
Reuters cho rằng, đây là đòn giáng đầu tiên cho những gì có thể được gọi là “cuộc nội chiến mới” trong đảng Bảo thủ của ông Cameron và kịch tính chỉ mới bắt đầu. Thực tế, những chia rẽ xung quanh tư cách thành viên của Anh trong EU đã góp phần tạo ra sự sụp đổ của 2 người tiền nhiệm: John Major và Margaret Thatcher.
“Cuộc nội chiến” giờ đây cũng là điều mà ông Cameron cố tránh khi lên nắm quyền vào năm 2010. Đến năm 2011, ông ra lệnh đảng của mình phải thực hiện những điều khoản nghiêm khắc nhất để bác bỏ dự luật tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU.
Nhưng chỉ 2 năm sau, ông thay đổi quan điểm, cam kết sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai trong EU nếu đắc cử nhiệm kỳ 2. Và nhà lãnh đạo 49 tuổi này phải thực hiện lời hứa. Ông tuyên bố sẽ tham gia chiến dịch vận động với cả “trái tim và tinh thần” để giữ Anh ở lại EU.
Câu hỏi trưng cầu dân ý là “Nước Anh có nên tiếp tục là thành viên EU hay rời EU?”. Những người muốn Anh rời EU cho rằng, thỏa thuận giữa ông Cameron với khối chỉ có những thay đổi rất nhỏ. Theo thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn, thỏa thuận hầu như chẳng liên quan đến những vấn đề lớn mà người Anh đang đối mặt và ông Cameron đã không làm gì để tăng thêm việc làm cho người lao động, bảo vệ ngành sản xuất thép hoặc chấm dứt tình trạng trả lương thấp ở xứ sở sương mù…
Nếu cử tri Anh nói “không” với EU, tất cả những điều khoản trong thỏa thuận vừa đạt được giữa London với khối sẽ tự hủy. Song, EU hiển nhiên sẽ mất đi nền kinh tế lớn thứ hai trong khối (sau Đức), mất đi một thành viên có quân đội quy mô lớn và một thành viên giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đồng thời, Anh cũng sẽ chịu không ít thiệt thòi khi phải đàm phán lại các thỏa thuận, hiệp ước với các đối tác thương mại lớn. Ông Cameron gọi viễn cảnh này là “điều nguy hiểm”.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận được báo Mail on Sunday đăng tải vào ngày 21-2, có 48% số người được hỏi nói rằng, nước Anh nên ở lại EU và 33% có ý kiến ngược lại, 19% chưa đưa ra quyết định.
VĨNH AN