Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đạt được thỏa thuận với đối tác liên minh cầm quyền về biện pháp mới nhằm thắt chặt chính sách xin tị nạn. Song, gần 40% người dân Đức lại cho rằng, bà Merkel nên từ chức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel chịu nhiều áp lực xung quanh chính sách mở cửa cho người tị nạn. Ảnh: AFP |
Không như hồi tháng 9 năm ngoái, thời điểm người dân Đức hân hoan chào đón những người tị nạn, giờ đây, họ nghi ngờ về khả năng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong việc tiếp nhận khoảng 1,1 triệu người ùn ùn kéo đến nước này. Áp lực theo đó càng lúc càng gia tăng lên Thủ tướng Angela Merkel xung quanh chính sách mở cửa của bà đối với người nhập cư.
Thăm dò của tạp chí Focus do Viện nghiên cứu Insa thực hiện cho thấy, quan điểm của người Đức đối với cuộc khủng hoảng tị nạn thay đổi đáng kể sau các vụ tấn công tình dục vào đêm giao thừa 2016 ở thành phố Cologne. Theo Insa, gần 40% người dân Đức cho rằng, bà Merkel nên từ chức.
Tuy nhiên, trong 2.047 người Đức được hỏi ý kiến thì 45,2% có ý kiến ngược lại và cho rằng, chính sách tị nạn không phải là lý do để bà Merkel từ chức. Trong các thành viên thuộc liên minh Thiên chúa giáo bảo thủ của Thủ tướng Merkel, gần 27% muốn bà từ chức.
Thủ tướng Merkel từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Đức xung quanh chính sách tị nạn. Những người nhập cư trái phép thậm chí xem bà là “người hùng” bởi Đức đã mở rộng cửa đón họ. Song, sau vụ tấn công các phụ nữ ở thành phố Cologne, mà thủ phạm chính là những người nhập cư, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra đòi Berlin trục xuất những người di cư đến từ Bắc Phi liên quan vụ tấn công.
Điều đó buộc bà Merkel phải cam kết giảm số lượng người nhập cư và tị nạn đến Đức trong năm 2016 bằng hàng loạt giải pháp, với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ. Ba đảng trong liên minh cầm quyền, bao gồm: đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) đã đạt được thỏa thuận về gói tị nạn thứ hai để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại.
Theo đó, sẽ thiết lập các trung tâm tiếp nhận đặc biệt nhằm đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ của những người tị nạn đến từ những nhóm nước cụ thể; người xin tị nạn ở Đức tốt nghiệp thành công một khóa đào tạo nghề có thể làm việc tại quốc gia này trong 2 năm. Song, những người tị nạn đến từ nhóm nước “an toàn” như Maroc, Algeria và Tunisia, sẽ sớm bị trục xuất về nước.
Hãng thông tấn DPA dẫn lời bà Merkel nói rằng, những người xin tị nạn ở Đức chỉ có quy chế tạm thời và được lưu lại trong thời gian nhất định; khi nào hòa bình được thiết lập tại Syria và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại hoàn toàn tại Iraq thì họ phải trở về nước. Bà Merkel dẫn chứng việc 70% người tị nạn ở Nam Tư cũ đến Đức vào những năm 1990 để chạy trốn cuộc nội chiến đã trở về quê hương khi nơi đây trở nên an toàn.
Năm ngoái, Đức tiếp nhận khoảng 1,1 triệu người tị nạn, trong đó có 430.000 người Syria. Điều mà các quan chức và người dân lo ngại là tình hình an ninh, nhất là khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào những cơ sở tị nạn ở Đức. Theo thống kê của các nhà chức trách, năm 2015, số vụ tấn công như vậy tăng gấp 5 lần so với năm 2014. Cụ thể, năm 2015 có 1.005 vụ tấn công vào các cơ sở tị nạn, so với 199 vụ trong năm 2014.
Cam kết cắt giảm người tị nạn và kêu gọi các nước châu Âu khác hỗ trợ có lẽ là giải pháp tốt nhất với Thủ tướng Merkel trong lúc này. Ông Horst Seehofer, Chủ tịch CSU, đã đe dọa kiện chính phủ Đức nếu dòng người tị nạn không giảm.
Áo đã mở rộng danh sách “những nước an toàn”, bao gồm: Maroc, Algeria, Tunisia, Mông Cổ, Gambia. Theo đó, người tị nạn đến từ những quốc gia này vì lý do kinh tế sẽ bị Áo trục xuất chỉ trong vòng 10 ngày. Năm ngoái, Áo trục xuất hơn 8.300 người tị nạn và dự kiến con số này sẽ tăng lên 12.500 người. |
VĨNH AN