.

Bị trừng phạt, Triều Tiên lại bắn tên lửa

.

CHDCND Triều Tiên đã bắn các tên lửa tầm ngắn vào biển Nhật Bản ngay sau khi bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ bắn tên lửa ở Ga Seoul ngày 3-3.  							               Ảnh: AP
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ bắn tên lửa ở Ga Seoul ngày 3-3. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, 6 tên lửa tầm ngắn đã được CHDCND Triều Tiên bắn ra bờ biển phía đông nước này vào sáng 3-3, chỉ vài giờ sau khi HĐBA LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới cứng rắn đối với Bình Nhưỡng do nước này đã thử hạt nhân lần thứ tư cũng như bắn tên lửa hồi tháng 1 và tháng 2 vừa qua. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác nhận có “6 vật thể tầm ngắn” được bắn khoảng 100-150km ra bờ biển phía đông.

Theo Reuters, việc thể hiện sức mạnh quân sự đã trở thành phản ứng thường có của CHDCND Triều Tiên trước áp lực quốc tế xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Nghị quyết mạnh mẽ nhất

Nghị quyết của HĐBA LHQ do Mỹ đề xuất được cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với Bình Nhưỡng. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng đến và đi từ CHDCND Triều Tiên sẽ bị thanh sát.

Nghị quyết cấm các tàu của quốc gia này bị tình nghi chở những mặt hàng phi pháp rời các bến cảng trên khắp thế giới, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí. CHDCND Triều Tiên cũng bị cấm xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm.

Các quốc gia khác không được cung cấp cho Bình Nhưỡng nhiên liệu dùng trong ngành hàng không. Đại sứ Mỹ Samantha Power cho biết, Bình Nhưỡng vốn kiếm được khoảng 1 tỷ USD/năm từ việc xuất khẩu than đá và 200 triệu USD/năm từ việc bán quặng sắt.

Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, nghị quyết của HĐBA LHQ buộc các quốc gia phong tỏa tài sản của các cá nhân, thực thể liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Cấm tất cả các nước cho phép các ngân hàng của CHDCND Triều Tiên mở chi nhánh, văn phòng đại diện mới. Các nước sẽ đóng cửa tất cả các ngân hàng của Bình Nhưỡng và chấm dứt các giao dịch ngân hàng với quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên trong vòng 90 ngày.

Không những thế, 17 cá nhân và 12 tổ chức của CHDCND Triều Tiên còn bị đưa vào “danh sách đen”, bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại, trong đó có cơ quan vũ trụ NADA và cơ quan tình báo.

Nghị quyết cũng yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán 6 bên để tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình và có thể kiểm chứng được. Tiến trình đàm phán 6 bên (gồm: Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản) bị đình trệ từ cuối năm 2008 đến nay.

Tổng thống Barack Obama hoan nghênh nghị quyết của HĐBA LHQ, đồng thời gọi đây là “phản ứng thống nhất và phù hợp”. “Cộng đồng quốc tế với tiếng nói chung đã gửi đến CHDCND Triều Tiên một thông điệp đơn giản: Bình Nhưỡng phải ngừng các chương trình nguy hiểm và lựa chọn con đường tốt hơn cho người dân nước mình”, ông Obama nói.

Đại sứ Anh Matthew Rycroft cũng cho rằng, đây là những giải pháp cứng rắn nhất mà HĐBA LHQ thông qua để chống lại một quốc gia trên thế giới.

Không phải là giải pháp cuối cùng

Mọi ánh mắt trong lúc này hướng về Trung Quốc và Nga để xem 2 quốc gia này thực hiện các biện pháp nói trên như thế nào. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga mô tả các biện pháp trừng phạt là “khá cứng rắn nhưng cần thiết”.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin, những biện pháp trừng phạt dù cứng rắn nhưng không phải là giải pháp cuối cùng, mà chỉ là con đường nhằm bảo đảm các bên liên quan trở lại bàn đàm phán. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định việc trở lại bàn đàm phán và đối thoại là điều cần thiết để giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo AFP, trong ngày 3-3, nghị quyết của HĐBA LHQ cũng làm khu vực Đông Bắc Á “nóng” lên. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt cứng rắn sẽ khiến quốc gia láng giềng phía bắc ngừng chương trình vũ khí hạt nhân. Bà Park Geun-hye cũng gọi nghị quyết là “một thông điệp mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc giục CHDCND Triều Tiên kiềm chế bất kỳ hành động khiêu khích mới nào. Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Motohide Yoshikawa nhấn mạnh rằng, tâm điểm của vấn đề là việc Trung Quốc - đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của CHDCND Triều Tiên - cùng các quốc gia khác thực thi các biện pháp trừng phạt.

Trong suốt những tuần đàm phán để thống nhất mở rộng trừng phạt CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc được cho là miễn cưỡng ủng hộ giải pháp của HĐBA LHQ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 3-3 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này.

Việt Nam mong muốn các bên liên quan tích cực thúc đẩy đối thoại tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, góp phần thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ”.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.