Những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Bỉ vào ngày 22-3 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những kẽ hở an ninh trong một xã hội mở, không biên giới của châu Âu.
Hàng ngàn người đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong các vụ tấn công ở Brussels. Ảnh: AFP |
Theo tờ New York Times, kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái, chính quyền Bỉ đã tiến hành hàng chục vụ vây ráp, truy quét các phần tử nổi loạn tại nhiều khu vực trong nước, thậm chí đã phong tỏa thủ đô Brussels trong nhiều ngày với quyết tâm diệt trừ tận gốc mầm mống bạo loạn.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực vẫn không ngăn cản được những cuộc tấn công tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek ở Brussels, trái tim của Liên minh châu Âu (EU).
An ninh Bỉ thừa nhận sai lầm
Sau những chỉ trích gay gắt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, chính phủ Bỉ thừa nhận đã mắc sai lầm liên quan đến nghi can Brahim El Bakraoui (29 tuổi).
Theo Reuters, trước đó, Tổng thống Erdogan cho biết, giới chức Ankara đã bắt giữ, trục xuất Brahim vào tháng 7 năm ngoái và gửi thông báo đến đại sứ quán Bỉ rằng, nghi can này là “chiến binh thánh chiến nước ngoài”. Song, cơ quan chức năng Bỉ phớt lờ cảnh báo đó và phóng thích y sau một thời gian ngắn giam giữ.
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Koen Geens xác nhận ông đã được báo cáo về việc trục xuất Brahim nhưng lại nói rằng: “Vào thời điểm đó, y không được xem là phần tử khủng bố mà là một tội phạm thông thường”.
Loạt tấn công khủng bố ở Bỉ không chỉ báo động về những yếu kém của mạng lưới an ninh nước này, mà còn cho thấy nguy cơ dai dẳng và ngày càng nguy hiểm hơn của tình trạng mầm mống khủng bố đang hình thành, ẩn nấp và hoạt động ngay tại trung tâm châu Âu.
Các cuộc tấn công xảy ra ngày 22-3 đặt ra những vấn đề phức tạp: liệu mạng lưới an ninh của châu Âu sẽ phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực phòng chống, ngay cả việc có thể sẽ phải xâm phạm tự do dân sự; hay phải chăng những cuộc tấn công như thế sẽ trở thành một phần không thể tránh khỏi trong một xã hội mở như châu Âu.
Dù thế nào thì vụ việc ngày 22-3 tại Brussels cho thấy tính dễ tổn thương của châu Âu trước chủ nghĩa khủng bố trong một thời đại mà việc đi lại và liên lạc dễ dàng hơn cùng với sự gia tăng của các phong trào phản loạn, thánh chiến.
Ngay trước khi nhà cầm quyền Bỉ bắt được Salah Abdeslam, họ cũng đã giam giữ nhiều nghi phạm dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức mà họ cho là mạng lưới khủng bố có liên quan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nhưng Bỉ vẫn tiếp tục là mối lo về an ninh với châu Âu. Quốc gia với chỉ 11,2 triệu dân này đang đối mặt với nguy cơ trở thành nơi dung dưỡng của nhiều mạng lưới khủng bố trong lúc quyền lực chính phủ bị giảm sút vì tình trạng chia rẽ giữa những cộng đồng nói tiếng Pháp, tiếng Hà Lan và tiếng Đức. Chưa kể mạng lưới tình báo của họ dường như rơi vào tình trạng hỗn loạn kinh niên.
Chia sẻ thông tin để chống khủng bố
Theo một số chuyên gia an ninh và tình báo, các vụ nổ ở Brussels là bằng chứng cho thấy những xã hội mở của châu Âu, ngay cả khi được đặt trong tình trạng cảnh báo an ninh khẩn cấp vẫn chẳng bao giờ loại trừ hết nguy cơ.
Các nguy cơ đó còn đáng sợ hơn khi một số chuyên gia nhận thấy sự thất bại trên toàn châu Âu trong vấn đề chia sẻ thông tin tình báo và sự yếu ớt của mạng lưới tình báo Bỉ. Trong một cuộc phỏng vấn vài tuần trước đó, Cựu Giám đốc cơ quan phản gián của Pháp Bernard Squarcini nói: “Người Bỉ quá hạn chế năng lực tới mức không thể cùng lúc giải quyết nhiều mục tiêu”.
Với một châu lục không biên giới như châu Âu, tình hình càng trở nên đáng ngại hơn khi những hạn chế về an ninh như thế sẽ nảy nở và lan rộng toàn châu lục. Những thất bại của một nước vì thế sẽ lan xa ra các nước khác.
Giờ đây, những vấn đề ở Bỉ không chỉ đang đe dọa những người sống tại châu Âu mà còn tới cả sự tồn tại của châu lục này như một khối thống nhất. Vấn đề châu Âu, với những cam kết về đường biên giới mở, có đủ mạnh để trụ vững sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đang trở thành câu hỏi để ngỏ hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière nói: “Dường như những mục tiêu rõ ràng của các cuộc tấn công - một sân bay quốc tế, một ga tàu điện ngầm gần các trụ sở cơ quan của EU - cho thấy kẻ tấn công khủng bố không chỉ nhằm vào nước Bỉ, mà nhằm vào tự do của chúng ta, tự do đi lại, tự do di chuyển và nhằm vào mọi người ở EU”.
Các nước EU cam kết sẽ cải thiện công tác chia sẻ thông tin chống khủng bố. Theo đó, liên minh gồm 28 quốc gia thành viên này sẽ tăng cường khẩn cấp việc cung cấp đồng bộ, sử dụng ổn định và khả năng tương tác của các cơ sở dữ liệu của châu Âu cũng như quốc tế trong lĩnh vực an ninh và di cư; đẩy nhanh việc áp dụng các biện pháp chống lại sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo đang diễn ra phổ biến tại các quốc gia Hồi giáo và mạng lưới chiến binh thánh chiến; chống lại tài trợ cho khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ Đức Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière muốn phải cấp thiết đưa ra một định nghĩa chung về những nghi can khủng bố để duy trì đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu.
Ngoại trưởng Mỹ đến Bỉ bàn chuyện chống khủng bố Ngày 25-3, tại Brussels, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức hàng đầu của Bỉ bàn thảo về việc chống khủng bố, trong lúc chính phủ quốc gia châu Âu này đang bị chỉ trích vì sự thất bại của an ninh và tình báo. Một vài giờ đồng hồ trước khi ông Kerry đến sân bay Brussels - nơi vẫn đóng cửa, giới chức đã bắt giữ ít nhất 6 người trong các chiến dịch truy lùng thủ phạm các vụ tấn công. Hãng AP cho biết, Ngoại trưởng Kerry có các cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Ngoại trưởng Bỉ Charles Michel và Nhà vua Philippe. AP dẫn lời ông Kerry và ông Michel nói rằng, trong số nạn nhân thiệt mạng ở sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek có người Mỹ. Cả hai ông đều không cho biết cụ thể về con số người Mỹ bị thương vong nhưng một quan sát Washington nói rằng, ít nhất 2 công dân được xác định đã chết trong các vụ tấn công. Các nhà điều tra Bỉ cũng xác định thêm một nghi can mới là Naim al-Hamed (28 tuổi, người Syria). Naim được cho là đóng vai trò chủ chốt trong loạt vụ khủng bố ngày 22-3, đồng thời có thể liên quan đến vụ khủng bố tại Paris hồi tháng 11 năm ngoái. PHÚC NGUYÊN |
Hai bộ trưởng Bỉ đệ đơn từ chức
Bị chỉ trích vì những thất bại của ngành tình báo Bỉ xung quanh các vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Brussels, Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon và Bộ trưởng Tư pháp Koen Geens đã thừa nhận sai lầm có liên quan đến hai bộ này, đồng thời đệ đơn từ chức. Theo tờ The Guardian, việc ông Jambon và ông Geens từ chức xuất phát từ những chỉ trích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng, chính phủ Bỉ đã phớt lờ cảnh báo của Ankara, để lọt nghi can “chiến binh thánh chiến nước ngoài” Brahim El Bakraoui. Tuy nhiên, Thủ tướng Bỉ Charles Michel không chấp nhận đơn của hai vị bộ trưởng này. “Thời điểm chiến tranh, các ngài không thể rời bỏ chiến trường”, ông Michel nói. THIÊN BÌNH |
TRẦN ĐẮC LUÂN