Khói từ những bếp lò nằm trong số những nguyên nhân chính dẫn tới những căn bệnh không truyền nhiễm ở các nước nghèo.
Bé trai này bị chẩn đoán có lượng chì trong máu cao quá mức, đang điều trị tại bệnh viện Sầm Châu, Trung Quốc. |
Tiến sĩ – bác sĩ Maria Neira đứng đầu bộ phận sức khỏe cộng đồng và môi trường của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo chi tiết về tình hình y tế ở các nước nghèo trong báo cáo mới nhất về sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới.
Tin tốt lành là nhiều người đã có mùng chống muỗi, tiếp cận được nước sạch và sử dụng nhà vệ sinh. Tin không vui là dân số tăng nhanh nhưng tốc độ tiến bộ về chăm sóc y tế ở các nước nghèo không theo kịp suốt 10 năm qua.
Nghịch lý còn nằm ở chỗ đã đổ tiền để chữa bệnh lao, sốt xuất huyết và tiêu chảy nhiều hơn so với một thập niên trước nhưng lại không bỏ tiền ra xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống nước. Ý thức “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” còn rất thấp khi chỉ có 3% chi tiêu y tế để ngăn chặn bệnh tật, trong khi đó 97% dùng để điều trị bệnh.
Môi trường ô nhiễm đã giết chết 12,6 triệu người mỗi năm, gần ¼ số lượng tử vong hằng năm trên toàn thế giới. Số lượng người chết vì khí độc ở các thành phố đang phát triển tăng nhanh. Theo tiến sĩ Neira thì hầu hết các căn bệnh do môi trường đều có thể tránh được.
“Chúng ta đã thất bại suốt 10 năm qua trong việc giúp các nước đang phát triển tránh những sai lầm trong thành phố, cũng thất bại trong việc giúp họ tránh tắc nghẽn và ô nhiễm, và chúng ta thất bại nặng nề trong việc giúp người dân sử dụng bếp lò năng lượng sạch”, bà Neira nói.
Báo cáo này được thực hiện mỗi thập niên một lần để coi xu hướng sức khỏe cộng đồng như thế nào, xác định sự thay đổi nguyên nhân tử vong do truyền nhiễm, ký sinh, dinh dưỡng tới những căn bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, ung thư, tim do lối sống ít vận động, ô nhiễm.
Báo cáo lần này cho thấy toàn thế giới giảm mạnh về tỷ lệ bệnh truyền nhiễm, giảm các nguy cơ môi trường gây ra bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, WHO cho biết 23% trường hợp tử vong vẫn do tác động của môi trường; đứng đầu là đột quỵ, bệnh tim, tiêu chảy và các bệnh ung thư.
Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ các căn bệnh mãn tính tăng cao. Bà Neira cho rằng chúng ta cần thay đổi suy nghĩ về bệnh tật “Trước đây mọi người chú ý tới các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, lao, thậm chí là Zika nhưng thông điệp bây giờ là chúng ta nói về những căn bệnh như đột quỵ, ung thư và tim”.
Bà Neira nhận định các căn bệnh truyền nhiễm cơ bản vẫn giống 10 năm trước nhưng dân số đã tăng lên. Các căn bệnh truyền nhiễm vẫn là mối lo lớn nhưng các căn bệnh không truyền nhiễm đang buộc chúng ta phải chú ý lâu dài hơn và chăm sóc nhiều hơn.
Ô nhiễm môi trường ở các nước đang phát triển là vấn đề chính của sức khỏe cộng đồng. “Chúng ta phải chứng kiến 3,7 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí ngoài trời và 4,3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong nhà. Gần một nửa thế giới này vẫn còn nấu ăn như thời kỳ đồ đá”, bà Neira cho biết.
Trước đây, chúng ta nói về nước sạch nhưng bây giờ nhận ra không khí trong lành mới là mấu chốt của sức khỏe. Trước đây, chúng ta nghĩ ô nhiễm không khí chỉ gây ra bệnh đường hô hấp nhưng bây giờ đã hiểu không khí ô nhiễm đi vào máu và dẫn tới đột quỵ, bệnh tim mạch. Như đã nói ở trên thì đột quỵ và tim mạch đứng đầu trong danh sách các bệnh do môi trường gây ra.
ANH THƯ (Theo Guardian)