.

Mỹ: Cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu là thách thức toàn cầu

.

Mỹ coi cuộc khủng hoảng người di cư Trung Đông sang châu Âu là một thách thức toàn cầu và Washington sẵn sàng hỗ trợ các nước đối phó.

Người tị nạn tại cảng Piraeus, Hy Lạp. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người tị nạn tại cảng Piraeus, Hy Lạp. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 29/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu rõ đây không phải vấn đề của riêng nước nào mà là một bài sát hạch cho tất cả. Nhấn mạnh gánh nặng đầu tiên dồn vào các nước Jordan, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Kerry tái cam kết Washington sẽ hỗ trợ các quốc gia đang đối mặt với gánh nặng người tị nạn.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng khẳng định ưu tiên của Mỹ là thúc đẩy một giải pháp chính trị tại Syria, kết thúc chiến tranh và giải quyết nguyên nhân gốc rễ dẫn tới dòng người tị nạn.

Với ưu tiên này, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ đang tìm cách thẩm định tính chính xác của các báo cáo vi phạm lệnh ngừng bắn hiện nay tại Syria.

Ông Kerry cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov để thảo luận về tình hình và hai bên đã nhất trí cũng giải quyết các báo cáo vi phạm này.

Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, bắt đầu có hiệu lực từ lúc 0 giờ ngày 27/2 vừa qua có hiệu lực đối với tất cả các bên, ngoại trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm vũ trang Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác có tên trong danh sách của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này đang có nguy cơ đổ vỡ với các cáo buộc vi phạm thỏa thuận của các bên.

Các cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á đặc biệt là Syria đã đẩy hàng trăm nghìn người tìm mọi cách để nhập cư vào châu Âu.

Mỹ hiện là quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho người tị nạn với 5,1 tỷ USD, chủ yếu cho các trại tị nạn ở các nước láng giềng của Syria. Tuy nhiên, bản thân Mỹ tuyên bố chỉ tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tài khóa 2016.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.