Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Cuba từ ngày 20-3 được cho là bước đi tiếp theo hướng đến chấm dứt hơn nửa thế kỷ đối đầu giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với Chủ tịch Cuba Raul Castro trước khi bắt đầu cuộc gặp song phương tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 29-9-2015. Ảnh: AP |
Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Cuba, Tổng thống Barack Obama đi cùng đệ nhất phu nhân Michelle Obama và 2 con gái. Đây là chuyến thăm Cuba đầu tiên sau 88 năm của một tổng thống Mỹ đương nhiệm, kể từ khi Tổng thống Calvin Coolidge thăm Havana vào tháng 1-1928.
Hãng AFP cho biết, ông Obama đến Havana vào tối 20-3, đến ngày 21-3 sẽ gặp gỡ Chủ tịch Raul Castro và tham dự một trận đấu bóng chày trước lúc rời khỏi quốc gia vùng Caribe này. Dự kiến ông Obama sẽ có bài phát biểu tại Nhà hát lớn Alicia Alonso ở Havana về mối quan hệ giữa hai nước.
Người dân Cuba rất hào hứng và dành sự quan tâm đặc biệt đối với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ. Những tấm áp-phích được dựng khắp khu phố cổ ở thủ đô Havana có hình ảnh của ông Obama và ông Raul Castro. Nhà văn Cuba Leonardo Padura nói rằng, chưa bao giờ người dân nước này lại có thể hình dung việc một Tổng thống Mỹ đến Havana bằng chuyên cơ và được chào đón bằng những nụ cười, tiếng vỗ tay.
Song, cũng theo AFP, chuyến thăm sẽ không giải quyết được tất cả vấn đề còn vướng mắc giữa hai nước chỉ cách nhau 150km đường biển, nhưng có thể làm tất cả mọi người đều cảm thấy hài lòng và hy vọng vào những điều tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước.
Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho hay, ông Obama muốn thông qua chuyến đi này để bảo đảm tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước không thể đảo ngược, ngay cả sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ và lệnh bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba không được Quốc hội Mỹ thông qua.
Sau tuyên bố lịch sử khôi phục quan hệ ngoại giao tháng vào 12-2014, quan hệ giữa Mỹ và Cuba ấm dần lên. Mặc dù Tổng thống Obama đã nới lỏng lệnh hạn chế công dân Mỹ đến Cuba, mang lại cho các hãng hàng không ở nước ông thêm hàng trăm chuyến bay, nhưng việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế kéo dài nhiều thập niên phải do Quốc hội phê chuẩn. Tiếc là động thái này đã bị phe Cộng hòa ngăn chặn.
Dù sao trong thời gian qua, Mỹ và Cuba đã có những nỗ lực đáng kể như khôi phục ngoại giao, dịch vụ bưu chính - điện thoại trực tiếp giữa hai nước… Đáng lưu ý là việc mở lại đại sứ quán ở thủ đô hai nước vào tháng 7-2015. Mỹ còn xóa tên Cuba khỏi danh sách những quốc gia không có đủ các biện pháp bảo đảm an ninh tại bến cảng, gỡ bỏ một rào cản lớn đối với hoạt động di chuyển tự do của tàu thuyền tại eo biển Florida…
Du lịch của Cuba cũng phát triển, trong đó gia tăng về số lượng du khách Mỹ. Theo số liệu của chính phủ Havana, số người Mỹ đến Cuba trong năm 2015 đạt khoảng 161.000 người. Các du khách và doanh nghiệp Mỹ cũng nhìn thấy những cơ hội tại quốc đảo nhỏ bé. Hơn nữa, Havana tuyên bố sẽ xóa bỏ loại thuế Cuba 10% đánh vào đồng USD được đưa vào nước này.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những khác biệt giữa Mỹ và Cuba vẫn tồn tại, ngoài vấn đề kinh tế còn có vấn đề vịnh Guantanamo. Trước đó, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nói rằng, chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng là “cơ hội hòa giải” nhưng phía Havana sẽ không chấp nhận những đòi hỏi về dân chủ và mở cửa kinh tế theo yêu cầu của Mỹ. Ngoại trưởng Rodriguez nhấn mạnh, nước ông sẽ không từ bỏ những nguyên tắc riêng để đẩy nhanh việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Tổng thống Obama đến Cuba lần này mang theo thông điệp về sự hòa giải. Và như vậy, ông đóng vai trò là “sứ giả hòa bình”, ghi tên mình vào lịch sử trong những nỗ lực cải thiện quan hệ với Cuba. Chuyến thăm còn gửi thông điệp đến những người Mỹ gốc Cuba, để tranh thủ sự ủng hộ của họ cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.
PHÚC NGUYÊN