.

Tổng thống Myanmar tuyên thệ nhậm chức

.

Ngày 30-3, ông Htin Kyaw, vị tổng thống dân sự đầu tiên được bầu trong hơn 50 năm qua tại Myanmar đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền quân sự.

 Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw (trái) nhận con dấu tổng thống từ tay ông Thein Sein trong lễ bàn giao chính quyền tại dinh tổng thống ở Naypyitaw ngày 30-3. 			                                                  Ảnh: Reuters
Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw (trái) nhận con dấu tổng thống từ tay ông Thein Sein trong lễ bàn giao chính quyền tại dinh tổng thống ở Naypyitaw ngày 30-3. Ảnh: Reuters

Mặc dù nhà lãnh đạo Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống nhưng bà tuyên bố sẽ điều hành đất nước theo cơ chế ủy nhiệm.

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội Myanmar ở thủ đô Nay Pyi Taw, tân Tổng thống Htin Kyaw 69 tuổi cam kết sẽ trung thành với nhân dân Myanmar. Cùng tham gia lễ tuyên thệ còn có hai Phó Tổng thống Henry Van Thio và Myint Swe - người đã thua số phiếu bầu so với ông Htin Kyaw trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống đầu tháng này, và các bộ trưởng trong nội các mới của Chính phủ. Hầu hết các bộ trưởng đều là đảng viên của NLD.

Trong danh sách đó, bà Suu Kyi là Bộ trưởng phụ trách kiêm nhiệm Bộ Ngoại giao, Văn phòng Tổng thống, Bộ Giáo dục, Bộ Năng lượng và Điện lực. Tuy nhiên, quân đội vẫn chỉ định các ứng cử viên của họ giữ vị trí tại ba bộ chủ chốt là Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề biên giới.

Theo tạp chí Time, cho tới thời điểm trở thành Tổng thống Myanmar, vẫn còn rất ít người biết rõ về ông Htin Kyaw. Ông không phải là một trong các ứng cử viên của NLD tham gia chiến dịch tranh cử. Ông cũng chưa từng có bài diễn văn chính trị nào phát biểu trước công chúng.

Tuy nhiên, nhiều người Myanmar đã mau chóng có thiện cảm với ông, các trang mạng xã hội đã bắt đầu nhắc tới tên ông với cách gọi thân thiện “tổng thống của chúng ta”. Sử gia Myanmar, Thant Myint-U đã ngợi ca lựa chọn này, gọi ông Htin Kyaw là “người được tôn trọng vì sự liêm chính không thể nghi ngờ và là một người rất tử tế”.

Cư dân mạng Myanmar không vui khi thấy nhiều tờ báo quốc tế mô tả ông Htin Kyaw là “tài xế” của bà Suu Kyi. Mặc dù đúng là đôi khi ông có chở bà đi đâu đó nhưng một đảng viên của NLD nói ông Htin Kyaw chưa bao giờ là tài xế chính thức của bà. Còn đương nhiên, không nói thì ai cũng hiểu ông là trợ thủ thân tín của bà.

Người dân Myanmar nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của ông trong những năm tháng tham gia công cuộc đấu tranh vì dân chủ của Myanmar. Trên thực tế, cha ông Htin Kyaw là ông Min Thu Wun, một nhà văn và nhà thơ nổi tiếng từng giành một ghế trong đảng ở cuộc bầu cử năm 1990. Bản thân ông Htin Kyaw cũng là nhà văn. Vợ ông, bà Su Su Lwin là con gái một nhà sáng lập NLD và hiện đang là một nghị sĩ Quốc hội và là một thành viên có uy tín trong đảng.

Yếu tố gia thế là điều quan trọng ở một đất nước mà nền tảng gia đình là chuyện rất quan trọng như Myanmar. Bản thân bà Suu Kyi thoạt tiên cũng được yêu mến vì là con gái của một vị tướng anh hùng Aung San.

Theo Guardian, ông Htin Kyaw từng là bạn học của bà Suu Kyi ở Trường trung học Methodist English tại thủ đô Yangon. Ông đã có bằng kinh tế học trước khi tiếp tục theo đuổi ngành khoa học máy tính tại Đại học London.

Ông Htin Kyaw đã làm việc cho Chính phủ Myanmar từ giữa những năm 1970 tại Bộ Công nghiệp và Ngoại giao, sau đó nghỉ việc năm 1992, hai năm sau khi chính quyền quân đội không thừa nhận chiến thắng của đảng NLD trong cuộc bầu cử trước đó. Kể từ đó, ông trở thành trợ thủ thân tín của lãnh đạo NLD Suu Kyi. Ông là giám đốc quỹ từ thiện Daw Khin Kyi được đặt tên theo tên mẹ bà Suu Kyi.

Ông Thein Swe, một bạn tù cũ của ông Htin Kyaw hiện là nghị sĩ của NLD cho biết: “Điều tôi nhận thấy là ông ấy không phân biệt người giàu, người nghèo. Ông không quan tâm tới những người nắm quyền lực và đối xử với mọi người bình đẳng, tôn trọng”.

Trong bài phát biểu ngắn, ông Htin Kyaw nêu ra những thách thức trước mắt của Chính phủ, trong đó có vấn đề cần phải thực thi ngừng bắn trên toàn quốc. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, lực lượng quân đội Chính phủ đã liên tục giao tranh vũ trang với các nhóm người thiểu số khác nhau. Tân Tổng thống Myanmar cũng nói về nhu cầu cần phải tương thích giữa hiến pháp Myanmar với các giá trị dân chủ hiện đại và chủ trương rõ ràng về việc cần phải sửa đổi hiến pháp.

Giới quan sát cho rằng, đây có lẽ sẽ là vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ giữa chính phủ do NLD lãnh đạo và quân đội, lực lượng chiếm tới 25% số ghế Quốc hội. Điều đó có nghĩa quân đội vẫn nắm quyền phủ quyết với bất cứ thay đổi hiến pháp nào vì muốn thay đổi, số phiếu ủng hộ phải đạt hơn 75%.

Trần Đắc Luân

;
.
.
.
.
.