.

Tỷ phú Trump trình làng những chính sách ngoại giao

.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ 2016 của Đảng Cộng hòa vừa có cuộc trao đổi kéo dài cả trăm phút với New York Times về những chính sách ngoại giao nếu ông trở thành tổng thống nước Mỹ. Ông Trump tuyên bố sẽ dùng quyền lực chi phối về kinh tế của nước Mỹ để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ông Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington. 	     Ảnh: Reuters
Ông Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington. Ảnh: Reuters

Tỷ phú Donald Trump hiện đang là ứng cử viên dẫn đầu đường đua vào Nhà Trắng của Đảng Cộng hòa với 739/1.237 đại biểu đảng cần thiết ủng hộ cho ông theo thống kê mới nhất của Foxnews.

Theo tỷ phú New York, cách tốt nhất để ngăn không cho Trung Quốc xây dựng các sân bay quân sự cũng như đặt hệ thống tên lửa phòng không tại những đảo mà nước này ngang nhiên chiếm đóng trái phép tại Biển Đông là gây sức ép với họ trong việc tiếp cận các thị trường của Mỹ.

Ông nói: “Chúng ta có một quyền lực kinh tế rất lớn đối với Trung Quốc. Đó là quyền lực thương mại”. Tuy nhiên, ông không đề cập tới khả năng liệu Trung Quốc sẽ phản đòn ra sao với Mỹ nếu bị áp chế theo cách đó.

Cũng giống như cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon, ông Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự không thể đoán trước” của một tổng thống Mỹ. Khi được hỏi liệu ông sẽ đẩy những xung đột về các hoạt động ngang nhiên của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông đi xa tới đâu, ông Trump nói: “Tôi sẽ không muốn họ biết những suy nghĩ thực sự trong đầu tôi là gì. Nhưng tôi sẽ dùng thương mại, đương nhiên là vậy, như một lợi thế trong thương lượng”.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump cũng nói ông sẽ cởi mở trong vấn đề cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc được xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng họ thay vì để họ cứ phụ thuộc vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ trong việc đối phó với CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc.

Tỷ phú New York cũng nói ông sẵn sàng rút các lực lượng quân đội Mỹ từ Nhật Bản và Hàn Quốc về nếu hai nước này không gia tăng đáng kể những đóng góp của họ trong việc chi trả phí tổn cư trú và sinh hoạt cho những đội quân đó. Ông Trump cũng nói sẽ tìm cách đàm phán lại rất nhiều hiệp định cơ bản Mỹ đã ký kết với các đồng minh của nước này, rất có thể trong đó có cả hiệp định an ninh kéo dài 56 năm giữa Mỹ và Nhật Bản mà theo ông Trump chỉ có lợi cho một phía.

Ở tầm nhìn thế giới của ông Trump, Mỹ đã trở thành một thế lực bị suy yếu và cơ chế chính để ông tái thiết lại vị trí trung tâm của nước Mỹ trên thế giới là thông qua các thương thảo về kinh tế. Tỷ phú Donald Trump tiếp cận với hầu hết các vấn đề xung đột quốc tế hiện nay đều thông qua lăng kính thương lượng, đàm phán, ngay cả khi ông cũng chưa thật rõ ràng về những mục tiêu chiến lược của mình.

Ông Trump cũng nói, nếu được bầu làm tổng thống Mỹ, ông có thể sẽ ngừng việc mua dầu từ Saudi Arabia và các đồng minh Ả rập khác cho tới khi họ cam kết đóng góp bộ binh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, hoặc “hoàn trả phần lớn” số tiền mà nước Mỹ đã phải đổ ra để chống lại nhóm phiến quân vốn là những kẻ đe dọa tới sự ổn định của các nước Trung Đông.

Theo cập nhật của Foxnews, tính đến ngày 28-3, ở Đảng Cộng hòa, các ứng cử viên Ted Cruz và John Kasich lần lượt giành được số đại biểu đảng là 465 và 143.

Trong khi đó, ở Đảng Dân chủ, ông Bernie Sanders đang bám đuổi khá gần với ứng cử viên dẫn đầu là bà Hillary Clinton. Sau khi giành cú “hatrick” ở ba bang Alaska, Hawaii và Washington ngày 27-3 vừa qua, ông Bernie Sanders đã giành được 1.004 đại biểu, kém 708 đại biểu so với bà Clinton.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cũng cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ các ứng viên thuộc hai đảng trở thành tổng thống Mỹ cao nhất ở ba ứng viên Donald Trump, Hillary Clinton và Bernie Sanders lần lượt là 41%, 55% và 42%.

Trần Đắc Luân

;
.
.
.
.
.