.

170 nước ký Thỏa thuận Paris về khí hậu: Dấu mốc lịch sử

.

Bốn tháng sau đàm phán về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ở thủ đô Paris của Pháp, khoảng 170 quốc gia sẽ ký Thỏa thuận Paris tại New York (Mỹ) vào ngày 22-4 (giờ địa phương).

Các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc và Pháp vui mừng khi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được tại hội nghị ở Le Bourget, phía bắc Paris, ngày 12-12-2015. 	Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc và Pháp vui mừng khi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được tại hội nghị ở Le Bourget, phía bắc Paris, ngày 12-12-2015. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, lễ ký kết thỏa thuận tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) là bước đi quan trọng để thỏa thuận có hiệu lực trước khi Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020. Sự kiện này cũng được cho là một kỷ lục về ngoại giao quốc tế bởi chưa bao giờ có nhiều quốc gia cùng ký thỏa thuận chỉ trong ngày nhóm họp đầu tiên. Theo đó, những nước không ký thỏa thuận trong ngày 22-4 sẽ mất thêm một năm để ký văn bản này. Viện Tài nguyên Thế giới cho hay, các nước không khẳng định việc ký kết thỏa thuận vào ngày 22-4 bao gồm một số nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, trong đó có Saudi Arabia, Iraq, Nigeria và Kazakhstan.

Sau khi được ký kết, Thỏa thuận Paris cần được Quốc hội của các nước thông qua. LHQ cho hay, ít nhất 13 nước sẽ có động thái này ngay trong ngày 22-4.

Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực khi có sự tham gia của 55 nước chiếm ít nhất 55% lượng khí thải toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc, thải ra gần 40% lượng khí thải toàn cầu, dự kiến sẽ ký cùng với Nga và Ấn Độ, hai nước xếp trong top 4 nước có lượng khí thải nhiều nhất.

Thỏa thuận Paris là phản ứng của thế giới khi nhiệt độ trở nên nóng hơn, mực nước biển dâng cao và có các tác động khác của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận vốn đạt được hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) hồi tháng 12 năm ngoái trong chương trình đàm phán đầy nỗ lực, cân não và kéo dài nhiều năm của LHQ.

Nguyên nhân của việc đàm phán bế tắc trước đó là do tranh cãi giữa các nước giàu và các nước nghèo về việc quốc gia nào sẽ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Lúc đó, Pháp khẳng định thỏa thuận tại COP21 là công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý.

Thỏa thuận Paris đề ra mục tiêu tham vọng là giữ mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C và kêu gọi cố gắng chỉ ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm, kể từ năm 2020, sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển đối phó với hiện tượng ấm lên trên toàn cầu. Song, thỏa thuận cũng quy định các nước đặt ra những mục tiêu riêng về việc giảm khí thải carbon dioxide và khí thải khác gây hiệu ứng nhà kính. Những mục tiêu này không mang tính ràng buộc pháp lý.

Mỹ vẫn là mối quan tâm chính của Thỏa thuận Paris. Các nước khác lo lắng vị Tổng thống mới kế nhiệm ông Barack Obama sẽ hành động như thế nào. Theo các nhà phân tích, nếu thỏa thuận có hiệu lực trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017 thì người kế nhiệm khó dừng “cuộc chơi” bởi theo quy định thì phải tham gia trong 4 năm.

Thật ra, lễ ký vào ngày 22-4 tại New York chỉ mang tính thủ tục bởi 130 nước đã cam kết phê chuẩn Thỏa thuận Paris, nhưng đây là cột mốc lịch sử trên hành trình bảo vệ trái đất. Vấn đề đặt ra lúc này là việc thực hiện nghiêm túc thỏa thuận nhưng việc thực hiện sẽ không đơn giản và là chặng đường dài khi các nước đều có nhu cầu về năng lượng.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.