Cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất hàng thập kỷ qua giữa Azerbaijan và Armenia vẫn tiếp tục trong ngày 3-4 dù Azerbaijan tuyên bố quyết định "đơn phương ngừng bắn" quanh vùng Nagorno-Karabakh.
Các đơn vị pháo binh Armenia tại khu vực giao tranh Nagorno-Karabakh - Ảnh: AFP |
AFP cho biết Azerbaijan đã quyết định "đơn phương chấm dứt tình trạng chiến tranh" và cam kết sẽ củng cố các vị trí chiến lược nước này đã giành được bên trong vùng lãnh thổ mà Armenia đang kiểm soát.
Các nhà chức trách tại Karabakh, vốn đã tuyên bố độc lập nhưng nhận sự chống lưng từ Armenia, cho biết họ sẵn sàng thảo luận về lệnh ngừng bắn nhưng chỉ khi họ lấy lại lãnh thổ của mình.
Cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau trong việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi giao tranh vẫn diễn ra.
"Giao tranh bằng xe tăng và pháo binh vẫn tiếp tục trong khi Azerbaijan đang dối trá rằng họ đã ngừng bắn. Azerbaijan vẫn tiếp tục bắn phá các vị trí quân đội Karabakh lẫn các ngôi làng Armenia" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisyan cho biết.
"Armenia vẫn tiếp tục bắn phá cả ngày và không có sự ngưng nghỉ" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Azerbaijan Vagif Dargahly cáo buộc lại.
Cả Nga và phương Tây đều kêu gọi các bên bình tĩnh. Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức".
Chính quyền Matxcơva đã cung cấp vũ khí cho cả hai phe trong cuộc xung đột nhưng có quan hệ kinh tế và quân sự thân thiết hơn với Armenia.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) trong khi nhấn mạnh rằng "không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột".
Trong khi đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ủng hộ đến cùng đồng minh Azerbaijan và hi vọng nước này có thể giành phần thắng trong cuộc xung đột.
Theo Tuổi trẻ