.

Azerbaijan phóng hỏa tiễn đa nòng ở Nagorny-Karabakh

.

Azerbaijan đã sử dụng giàn rocket nhiều nòng Smerch trong cuộc giao tranh nổ ra ở Nagorny-Karabakh.

Hệ thống rocket nhiều nòng Smerch.
Hệ thống rocket nhiều nòng Smerch.

Armenia ngày 5-4 cho biết lần đầu tiên kể từ khi giao tranh nổ ra ở Nagorny-Karabakh, Azerbaijan đã sử dụng giàn rocket nhiều nòng Smerch. Trong khi đó Baku thông báo đã tiêu diệt 20 xe chiến đấu của kẻ thù.

Hãng tin "Novosti Armenia" dẫn lời cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nagorny-Karabakh (NKR) tự xưng cho biết trong cuộc xung đột vũ trang ở Nagorny-Karabakh, Azerbaijan liên tục gia tăng cỡ nòng vũ khí sử dụng và đêm rạng sáng 5-4, lực lượng vũ trang Azerbaijan lần đầu tiên đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn phản lực Smerch. Thông tin này đã được thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Armenia, Artsrun Ovhannisyan xác nhận với RIA Novosti.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết trong vài ngày qua họ đã phá hủy 20 xe quân sự và tiêu diệt 70 binh sĩ đối phương. Ngoài ra, Baku thông báo đã phá hủy sở chỉ huy quân sự của kẻ thù.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị pháo kích thủ phủ Stepanakert của Nagorny-Karabakh. Bộ này cho rằng điều đó sẽ diễn ra trong trường hợp Armenia không ngừng các cuộc tấn công. Bộ Quốc phòng NKR thề sẽ "đáp trả tương xứng" nếu Azerbaijan tấn công Stepanakert.

Cũng trong ngày 5/4, Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ tổ chức cuộc họp nhằm tìm cách chấm dứt tình hình bạo lực kéo dài dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh sau khi có tới 46 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh tái bùng phát trong 3 ngày qua tại đây giữa Armenia và Azerbaijan.

Cuộc họp của nhóm Minsk thuộc OSCE do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng Chủ tịch sẽ bắt đầu lúc 13 giờ GMT ngày 5/4 (tức 20h tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), song phiên họp đầu tiên dự kiến diễn ra rất ngắn và sẽ không có tuyên bố nào được đưa ra cho báo giới.

Giới quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng tại Nagorny Karabakh có thể gây bất ổn ở khu vực Caucasus – nơi có nhiều phe nhóm đối địch, nhưng đồng thời cũng là một khu vực chiến lược vì là điểm trung chuyển dầu mỏ và khí đốt từ biển Caspi sang các thị trường châu Âu.

Hiện giới chức Nga và Mỹ đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan nhanh chóng chấm dứt giao tranh. Tuy nhiên, cả Armenia và Azerbaijan vẫn tiếp tục các cuộc giao tranh và chỉ trong ngày 4/4 đã có thêm 13 người thiệt mạng của cả hai phía.

Nagorny-Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan, phải chạy lánh nạn.

Cũng kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Hiện hai nước được ngăn cách bởi một vùng phi quân sự, nhưng bên nào cũng tố cáo đối phương vi phạm vùng phi quân sự.

Theo TTXVN

;
.
.
.
.
.