Vòng đàm phán về hòa bình cho Syria đang rơi vào trạng thái khó lường và có nguy cơ đổ vỡ. Các bên vẫn không ngừng chỉ trích nhau và khó có thể thu hẹp được những bất đồng.
Bạo lực và các cuộc giao tranh đã tàn phá nhiều khu vực ở Syria. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters cho biết, tại vòng đàm phán mới ở Geneva (Thụy Sĩ) được nối lại từ tuần trước, Nga cáo buộc phe đối lập Syria được Saudi Arabia hậu thuẫn đã dùng biện pháp “đe dọa” khi tuyên bố rút khỏi bàn nghị sự, không đối thoại với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, cho đến khi thấy rõ những tiến triển trong vấn đề chuyển giao chính trị và cứu trợ nhân đạo. Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC), đại diện cho nhiều nhóm đối lập ở Syria, bày tỏ quan ngại về bạo lực, nhất là ở gần thành phố phía bắc Aleppo. HNC còn cáo buộc chính phủ Syria tàn sát dân thường.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, cách mà HNC sử dụng minh chứng lực lượng này không đủ khả năng để đạt được thỏa thuận. Vì vậy, Mátxcơva cho rằng, HNC không thể là đại diện duy nhất cho phe đối lập Syria tham gia hòa đàm.
Trong một tuyên bố được đưa ra, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: Đàm phán tại Geneva nên là một hội nghị tìm kiếm giải pháp chính trị cho tương lai lâu dài của Syria nên cộng đồng quốc tế không hoan nghênh những thành phần tham dự với mục đích “đe dọa” và “gây sức ép”. Hơn nữa, Nga cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Assad vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Trưởng phái đoàn HNC, ông Mohammed Alloush, vốn chỉ trích lực lượng Assad đã thực hiện 70 chiến dịch không kích trong ngày 17-4. Ông cáo buộc Iran đã đưa đến hai nhóm để trợ giúp quân đội của Tổng thống Assad và Nga cũng cung cấp binh sĩ cùng với các loại vũ khí. Ông Khaled al-Nasser, thành viên của HNC, lý giải họ không có ý định “tẩy chay” đàm phán. “Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của đàm phán. Chính phủ (Syria) phải chịu trách nhiệm”, ông Nasser nói.
Ngày 20-4, một số thành viên HNC bắt đầu rời Geneva, một số khác sẽ rời thành phố này vào hôm nay (22-4). Đại sứ Liên Hợp Quốc tại Syria, ông Staffan de Mistura, nói rằng nhà ngoại giao này vẫn thúc đẩy đàm phán. Còn HNC trong một tuyên bố mới đây đã yêu cầu ông Mistura có động thái chấm dứt việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của phía Tổng thống Assad. Ông Mistura cho rằng, những cuộc giao tranh mới xảy ra ở Syria, nhất là ở gần thành phố Aleppo, là “đặc biệt lo ngại”. Đồng thời, ông cũng hy vọng Mỹ và Nga sẽ có cuộc họp đặc biệt nếu xu hướng bạo lực ở Syria vẫn tiếp diễn. Các cuộc xung đột được cho là đã phủ bóng lên hòa đàm ở Geneva - vòng đàm phán hòa bình mới không bao gồm IS hay lực lượng Mặt trận Al-Nusra.
Điều mà ông Mistura quan tâm trên hết vẫn là sự chuyển tiếp chính trị, vốn được đề cập trong Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông gọi đây là “mẹ của tất cả vấn đề”. Song, thực tế, giữa chính phủ Syria và lực lượng đối lập không hề hàn gắn được bất đồng: HNC không muốn Tổng thống Assad đóng vai trò gì trong chính phủ chuyển tiếp, trong khi phía chính phủ Syria khẳng định không đàm phán và không nhân nhượng vấn đề này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, hai phái đoàn liên quan đến cuộc xung đột ở Syria nên có động thái đàm phán trực tiếp tại Geneva nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm, thay vì chỉ gặp riêng rẽ ông Mistura. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng bác bỏ thông tin Mátxcơva và Washington đang đàm phán bí mật về sự ra đi của Tổng thống Assad.
Hãng AFP cho biết, ngày 21-4, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố, Nga vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Syria nhằm “chống lưng” cho chính phủ Assad. “Mặc dù đã thông báo về việc rút một phần lực lượng nhưng Nga vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể để hậu thuẫn cho chính phủ Syria”, ông Stoltenberg khẳng định.
PHÚC NGUYÊN