Quốc tế
Động vật ở Chernobyl hồi sinh?
Gần tròn 30 năm thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử Chernobyl xảy ra, điều không ai ngờ được là động vật vẫn có mặt ở vùng đất chết này. Dù có những dấu hiệu lạc quan nhưng các nhà khoa học đều cho rằng cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu về sự phát triển của động vật ở đây.
Ảnh chụp hai chú chó vào ngày 8-4-2016. |
Các nhà khoa học khẳng định dù thảm họa đã 30 năm trôi qua, kể từ ngày 26-4-1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (Liên Xô cũ) bị nổ, nhưng chất phóng xạ vẫn còn ở Chernobyl. Thậm chí, Bộ trưởng Sinh thái Ukraine, Hanna Vronska còn nói có thể 24.000 năm nữa con người vẫn chưa thể sinh sống ở đây. Thực tế, hơn 130.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa và cả khu vực luôn được canh gác cẩn thận để tránh người xâm nhập trái phép. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Đại học Georgia do James Beasley đứng đầu đã tìm thấy dấu vết của động vật hoang dã trong năm 2015.
Nhóm này tiếp tục nghiên cứu sâu hơn bằng cách lắp đặt các máy quay để ghi hình. Họ thực hiện trong vòng 5 tuần ở 94 địa điểm và sử dụng 30 máy quay. Mỗi máy quay được gắn trên cây hoặc một vật giống cây trong thời gian 7 ngày cho 1 địa điểm. Và đặc biệt là máy quay đều có mùi axit béo để thu hút động vật. Hai máy quay đặt cách nhau khoảng 3km nhằm bảo đảm là các động vật không “thăm” hơn một máy quay trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Nhóm nghiên cứu ghi chép kỹ các loại động vật xuất hiện trong máy quay như tần suất lui tới, đặc biệt chú ý tới động vật ăn thịt bởi vì chuỗi thức ăn của nó. Nhóm nhận diện 14 loại động vật có vú. Những loài thấy thường xuyên nhất là sói xám, heo rừng, cáo đỏ hay chó. Những loại này được ghi lại từ những máy quay ở gần hay trong vùng ô nhiễm chất phóng xạ nặng. Beasley nói: “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho giả thuyết con người buộc phải rời khỏi nơi đây vì ô nhiễm phóng xạ nhưng những gì chúng tôi tìm thấy là động vật sống trong những vùng mà chúng tìm được thức ăn và nước. Tuy nhiên, ông thừa nhận cần phải có thêm nhiều cuộc nghiên cứu nữa để xác định mật độ sinh sống.
Trong khi đó, nhà sinh học Denys Vyshnevskiy nói rằng “Khi không có con người, thiên nhiên có dấu hiệu hồi phục”. Vyshnevskiy xác nhận động vật vẫn sinh sống ở Chernobyl nhưng vòng đời ngắn hơn và sinh sản ít hơn. Những loài dựa vào mùa vụ của con người và sản phẩm phế thải như cò trắng, chim sẻ, chim bồ câu thì biến mất. Tuy nhiên, những loài đặc trưng trong vùng vốn phát triển mạnh mẽ trong hệ thực vật tươi tốt trước đây đã xuất hiện trở lại như nai sừng tấm, chó sói, gấu, đại bàng đuôi trắng…
Giáo sư sinh học ở Đại học Nam Carolina, Tim Mousseau tiến hành nghiên cứu dài hạn về đa dạng sinh học tại Chernobyl (ông cũng đang thực hiện tại khu vực xung quanh Fukushima ở Nhật Bản) nói rằng phạm vi các loại, số lượng động vật và khả năng sống sót ở Chernobyl là ít hơn so với kỳ vọng. Bướm và các loại chim bị ảnh hưởng nhiều nhất do tính nhạy cảm của chúng.
ANH THƯ (Theo Phys.org, Science Daily)