.

Đức Giáo hoàng đưa người tị nạn Hồi giáo về Vatican

.

Vụ việc đang được xem như một hành động thách thức chính sách hạn chế nhập cư của châu Âu, nhưng dưới góc cạnh 
nhân đạo thì đang được hoan nghênh.

Đức Giáo hoàng đón ba gia đình Hồi giáo Syria ngay tại chân cầu thang máy bay - Ảnh: AFP
Đức Giáo hoàng đón ba gia đình Hồi giáo Syria ngay tại chân cầu thang máy bay - Ảnh: AFP

Một sự kiện chưa từng có đã xảy ra trên chuyến bay của Hãng hàng không Alitalia đưa Đức Giáo hoàng Francis từ đảo Lesbos (Hi Lạp) về Tòa thánh Vatican vào chiều 16-4 (giờ địa phương). Chuyến bay chở theo ba gia đình người Syria tị nạn gồm 12 người, trong đó phân nửa là trẻ em.

Giữ bí mật đến giờ chót

Báo Le Figaro tường thuật sau khi máy bay đáp xuống sân bay Ciampino ở Roma, Đức Giáo hoàng đã xuống máy bay đầu tiên để chào đón ba gia đình di cư Syria đặt chân đến châu Âu.

Trước đó, tại cuộc họp báo trên máy bay, Đức Giáo hoàng cho biết hồi tuần trước cộng sự của ngài đã nghĩ đến sáng kiến nhân đạo cưu mang người di cư và ngay lập tức ngài đã đồng ý.

Sáng kiến này đã được Vatican giữ bí mật đến giờ chót. Thậm chí các nhà báo ban đầu cũng phải úp mở về chuyện Giáo hoàng đưa người tị nạn về Vatican nhằm tránh các rắc rối có thể có.

Đài France TV dẫn nguồn từ Vatican cho biết ba gia đình Hồi giáo Syria này đều có nhà cửa bị trúng bom, trong đó có một gia đình sống trong khu vực do lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng.

Họ đi qua ngả Thổ Nhĩ kỳ đến đảo Lesbos tị nạn trước ngày 20-3, tức thời điểm bắt đầu trục xuất người di cư trái phép ở Hi Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận về giải quyết vấn đề người di cư xin tị nạn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại cuộc họp báo, Đức Giáo hoàng giải thích cử chỉ của ngài chỉ là “một giọt nước trong biển cả” khủng hoảng di cư châu Âu. Ba gia đình Hồi giáo Syria được chọn theo hình thức bốc thăm, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và “tất cả 12 người này đều là con của Chúa”.

Tòa thánh Vatican, Ý và Hi Lạp đều đồng ý cấp thị thực cho họ. Trước mắt, Vatican sẽ phụ trách chăm lo. Cộng đồng Sant’Egidio (hội đoàn giáo dân Công giáo ở Rome) sẽ trực tiếp đón tiếp và cưu mang họ. Sau đó có thể cả ba gia đình này được bố trí cư ngụ trong Vatican.

Vừa đặt chân đến Roma và còn mệt mỏi nhưng ngay buổi tối 16-4, các gia đình Syria may mắn đã được Vatican mở tiệc thết đãi tại một tòa lâu đài cổ thế kỷ 17 ở trung tâm Roma với những bàn thức ăn thịnh soạn cùng âm nhạc và hoa.

Tìm giải pháp đối thoại và hòa nhập

Trả lời câu hỏi về các khó khăn hòa nhập của người Hồi giáo di cư đến châu Âu, Đức Giáo hoàng ghi nhận chính sách hòa nhập là quan trọng, lúc nào cũng có người di cư đến châu Âu và điều này đã làm phong phú thêm văn hóa châu Âu, vì lẽ đó châu Âu cần phải củng cố hoàn chỉnh chính sách hòa nhập.

Có nhà báo đã hỏi Đức Giáo hoàng nghĩ gì về tình hình một số nước châu Âu đóng cửa biên giới để ngăn chặn làn sóng nhập cư, ngài trấn an: “Tôi thấu hiểu các chính phủ và các dân tộc có nỗi sợ nào đó. Nhưng chúng ta có trách nhiệm nặng nề để đón tiếp người nhập cư và bày cách cho họ hòa nhập”.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh dựng bức tường ở biên giới không phải là giải pháp mà phải xây dựng cầu nối một cách thông minh bằng các giải pháp đối thoại và hòa nhập.

Ngài kêu gọi châu Âu phải khẩn cấp thực hiện các chính sách đón tiếp, hòa nhập, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và cải cách kinh tế để tạo ra nhiều cầu nối cho người di cư.

Báo Washington Post nhận định đây là cử chỉ sinh động nhất của Đức Giáo hoàng Francis nhằm đánh động nhận thức của châu Âu về cách thức đối xử với người di cư.

Hôm 16-4, Đức Giáo hoàng Francis đã bay hơn 1.200km đến Hi Lạp để thăm những người di cư trong trại tị nạn trên đảo Lesbos.

Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đánh giá đây là chuyến thăm lịch sử. Sau đó, ngài đã cùng với Đức thượng phụ Bartholomew, giáo chủ Chính thống Constantinople và Đức tổng giám mục Ieronymos II, giáo chủ Chính thống Hi Lạp đã ký vào tuyên bố chung bày tỏ quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của những người di cư.

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.