.

G7 kêu gọi thế giới phi vũ khí hạt nhân

.

“Tuyên bố Hiroshima” được đưa ra tại hội nghị ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển (G7) ở thành phố Hiroshima của Nhật Bản tái khẳng định cam kết tìm kiếm một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người, đồng thời thúc đẩy một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) và Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thăm Công viên và Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima.                    Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) và Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thăm Công viên và Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ảnh: Reuters

Ngày 11-4, ngày cuối cùng của hội nghị ở Hiroshima, các ngoại trưởng G7 kêu gọi thúc đẩy những nỗ lực giải giáp hạt nhân khi họ phải đối đầu với một số vấn đề toàn cầu. AP cho biết, tuyên bố chung, được gọi là “Tuyên bố Hiroshima”, tái khẳng định cam kết tìm kiếm một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người. Tuyên bố chung chỉ trích các cuộc tấn công của Hồi giáo cực đoan xảy ra trong thời gian gần đây từ Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ đến Nigeria, Côte d’Ivoire; các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên…

Thông điệp từ Mỹ

Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng, cộng đồng quốc tế thường chia sẻ những giá trị chung vốn duy trì sự ổn định và thịnh vượng. “Ngày nay, thế giới đang đối mặt với những thách thức đơn phương làm thay đổi những giá trị và nguyên tắc chung như thế, như khủng bố và bạo lực cực đoan”, ông Kishida nói.

Về chủ nghĩa khủng bố, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức và Ý cam kết hoàn thành kế hoạch hành động G7 mà các nhà lãnh đạo nhóm này có thể phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 tới.

Có mặt tại Hiroshima, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, việc ông đến tưởng niệm các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử vào ngày 6-8-1945 nhắc nhở sự cần thiết phải theo đuổi một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Hiroshima, ông Kerry cho biết, Tổng thống Barack Obama cũng muốn đến thành phố này nhưng chưa rõ có thể thực hiện được trong chuyến thăm Nhật Bản và tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới hay không.

Cùng với các ngoại trưởng G7, ông Kerry đã đến Công viên và Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nơi trưng bày những chứng tích của bom nguyên tử, qua đó gửi gắm thông điệp về việc “tạo ra và theo đuổi một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Ngoại trưởng Fumio Kishida cho rằng, chuyến thăm lần đầu tiên của các ngoại trưởng G7 đến Công viên và Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima là một bước đi lịch sử thúc đẩy một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Theo Reuters, động thái của Ngoại trưởng Kerry có thể gây tranh cãi ở Mỹ nếu người ta cho rằng đó là một lời xin lỗi của Washington đối với Nhật Bản. Đa số người Mỹ nhìn nhận hai vụ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki là hành động hợp lý nhằm kết thúc chiến tranh, trong khi đa số người Nhật phản đối những vụ việc này. Ba ngày sau vụ ném bom ở Hiroshima làm 140.000 người chết, vào ngày 9-8-1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki.

Mỹ sẵn sàng tăng sức ép với Triều Tiên

Vấn đề CHDCND Triều Tiên được đặt lên bàn nghị sự của các ngoại trưởng G7. Ngoại trưởng Kerry khẳng định: Mỹ sẵn sàng gây áp lực đối với CHDCND Triều Tiên nhưng vẫn mở cánh cửa đàm phán nếu Bình Nhưỡng từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân. Theo ông, việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt phụ thuộc vào hành động của CHDCND Triều Tiên. “Nhưng chúng tôi nói rõ rằng, chúng tôi sẵn sàng đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông Kerry nói.

Từ đầu năm đến nay, CHDCND Triều Tiên đã có hàng loạt hành động làm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, mở đầu là vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1 vừa qua; sau đó là vụ phóng tên lửa tầm xa, được cho là một vụ thử tên lửa đạn đạo.

Ngày 9-4 vừa qua, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công động cơ được thiết kế cho tên lửa đạn đạo liên lục địa, bảo đảm có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào đại lục Mỹ. Tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 cũng chỉ trích các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 kết thúc với một cuộc đình chiến chứ không có một hiệp ước hòa bình đầy đủ. Mỹ khẳng định Bình Nhưỡng phải giải giáp hạt nhân và xem đây là điều kiện để tiến hành đàm phán hòa bình.

G7 phản đối hành động khiêu khích ở Biển Đông

Ngày 11-4, các ngoại trưởng G7 nhóm họp ở thành phố Hiroshima của Nhật Bản ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự ép buộc mang tính hăm dọa hay các hành động khiêu khích đơn phương nào có nguy cơ thay đổi hiện trạng và làm căng thẳng leo thang (ở các khu vực này)”.

Đề cập vụ kiện liên quan tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Philippines ở Biển Đông, các ngoại trưởng G7 kêu gọi các nước tuân thủ luật biển quốc tế, thực thi mọi phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của tòa án.

Manila đã yêu cầu tòa án trọng tài thường trực quốc tế có trụ sở tại The Hague phân xử vụ tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông của Philippines với Trung Quốc. Dự kiến, tòa án này sẽ ra phán quyết về vụ kiện vào tháng 6 tới.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.