Sân bay Schiphol tại Hà Lan, sân bay lớn thứ tư của châu Âu, được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, khi có những quan ngại nước này có thể là mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố.
Cảnh sát tuần tra bên ngoài sân bay Schiphol. Ảnh: AFP |
Tối 12-4, hàng chục cảnh sát Hà Lan bao vây phong tỏa sân bay Schiphol do nghi ngờ có bom và bắt giữ một nghi can khủng bố. Người đàn ông bị bắt cùng một “kiện hàng” mang theo ngay trước khu vực cổng chính vào sân bay và nghi can đang tiếp tục bị thẩm vấn. Cảnh sát không tiết lộ thêm thông tin xung quanh vụ bắt giữ này. Động thái của giới chức Hà Lan được thực hiện sau 3 tuần xảy ra các vụ tấn công ở sân bay và ga tàu điện ngầm tại Brussels (Bỉ) làm 32 người chết.
Song, AFP dẫn lời người phát ngôn của cảnh sát Hà Lan Alfred Ellwanger cho biết, đến ngày 13-4, mọi hoạt động ở sân bay Schiphol trở lại bình thường. Ông Ellwanger xác nhận không chuyến bay nào ở sân bay Schiphol bị hoãn, dịch vụ tàu hỏa nối Amsterdam với những vùng còn lại của Hà Lan vẫn hoạt động.
Sân bay Schiphol là sân bay lớn thứ tư và là một trong những sân bay đông đúc nhất của châu Âu, các chuyến bay liên kết với 319 điểm đến trên toàn thế giới. Sân bay này có mật độ chuyên chở khoảng 55 triệu lượt khách/năm và là cửa ngõ vào thủ đô Amsterdam.
Cũng theo AFP, Hà Lan đang thắt chặt an ninh và thúc đẩy kiểm soát biên giới trong lúc xảy ra làn sóng đánh bom liều chết ở Brussels. Có những quan ngại rằng, Hà Lan có thể là mục tiêu của một vụ tấn công khủng bố, do nước này có quan hệ gần gũi với Bỉ và Đức, đồng thời cũng vì vai trò của Amsterdam trong chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Các cơ quan tình báo Hà Lan cho biết, hơn 200 công dân nước này, trong đó có khoảng 50 phụ nữ, bị cho là tham gia tổ chức IS ở Iraq và Syria. Tháng trước, theo yêu cầu của các nhà chức trách Pháp, cảnh sát Hà Lan đã tiến hành các chiến dịch tại Rotterdam và phát hiện khoảng 45kg đạn dược. Số đạn này có liên quan một âm mưu tấn công khủng bố bất thành nhằm vào Pháp.
Có một điều khiến giới chức Hà Lan thêm lo lắng là một trong những nghi can đánh bom liều chết ở Brussels, Ibrahim El Bakraoui, đã bị trục xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ về Hà Lan vào năm ngoái, trước khi đối tượng này vượt biên giới để vào Bỉ và gây ra các vụ tấn công kinh hoàng làm rung chuyển châu Âu. Điều này cũng cho thấy lỗ hổng an ninh lớn ở Hà Lan. Trong khi đó, một nghi can người Pháp là Anis Bahri đã bị bắt giữ tại thành phố cảng miền nam Rotterdam với cáo buộc tìm cách tham gia một âm mưu ở Pháp nhưng thất bại. Anis Bahri đang muốn được dẫn độ về Paris.
Song, không chỉ riêng Hà Lan lo ngại nguy cơ bị tấn công mà nhiều nước châu Âu khác cũng được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, khi biết tin Younes Abaaoud (15 tuổi), em trai của kẻ chủ mưu vụ khủng bố Paris Abdelhamid Abaaoud, đã rời Syria và đang trên đường đến Bỉ để trả thù cho anh mình. Trước đó, những kẻ cực đoan đăng những lời đe dọa trên trang mạng facebook rằng, Younes sẽ sớm trả thù cho anh trai. Các nhà chức trách lo ngại Younes thay đổi ngoại hình và di chuyển bằng tên giả.
Sau vụ khủng bố ở Paris vào tháng 11 năm ngoái, Abdelhamid đã bị tiêu diệt khi cảnh sát tấn công vào khu ngoại ô Saint-Denis.
Liên quan đến các nghi can khủng bố, Salah Abdeslam, một nghi can trong loạt vụ tấn công khủng bố Paris, sẽ được dẫn độ về Pháp trong một vài tuần tới để phục vụ công tác điều tra mở rộng của Bỉ.
Ngày 12-4, cảnh sát Bỉ cũng bắt giữ 3 người tại khu vực Uccle thuộc Brussels trong một chiến dịch liên quan đến điều tra các vụ tấn công ở Paris. Các nhà điều tra hiện chưa tìm thấy sự liên hệ nào giữa vụ việc ở Paris và vụ Brussels.
PHÚC NGUYÊN