Chuyến thăm Iraq bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào ngày 8-4 mang theo thông điệp: Washington ủng hộ mạnh mẽ chính phủ của quốc gia Trung Đông này trước những thách thức về an ninh, kinh tế và chính trị.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ người đồng cấp Iraq Ibrahim al-Jaafari ở Baghdad. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters cho biết, ngày 8-4, Ngoại trưởng John Kerry đến thủ đô Baghdad trong một chuyến thăm không báo trước nhằm thảo luận với giới chức Iraq về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo Reuters, ông Kerry muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Haider al-Abadi, người đang phải đối mặt với khủng hoảng chính trị, nền kinh tế đang sụp đổ và cuộc chiến chống IS. Đây là chuyến thăm Iraq đầu tiên của ông Kerry kể từ năm 2014 đến nay.
Tuần trước, Thủ tướng Abadi đã phải xoa dịu bất ổn chính trị ở Iraq bằng cuộc cải tổ nội các để ngăn chặn tham nhũng. Theo đó, ông thay thế các chính trị gia bằng các nhà kỹ trị và học giả, tạo ra một nội các phi chính trị. Ông Abadi muốn các bộ, ngành thoát khỏi “nanh vuốt” của các đảng phái.
Tuy nhiên, một số bộ trưởng được ông Abadi đề cử lại muốn rút lui. Cụ thể, ông Ali Allawi, người được giới thiệu giữ chức Bộ trưởng Tài chính, đã xin rút tư cách ứng viên chiếc ghế này. Thủ tướng Abadi cũng đối mặt với các cuộc biểu tình và kêu gọi ông rời nhiệm sở, trong đó sự chống đối từ người tiền nhiệm Nouri al-Maliki.
Giới chức Mỹ lo ngại bất ổn chính trị có thể hủy hoại những nỗ lực của Iraq trong cuộc chiến chống IS, nhất là ở thành phố Mosul - hiện nằm dưới sự kiểm soát của IS. Quân đội Iraq đang tìm cách lấy lại thành phố này. Trong khi đó, các vụ đánh bom vẫn diễn ra. Mới đây nhất, ngày 4-4, ba kẻ đánh bom liều chết đã cho kích nổ nhằm vào các lực lượng Iraq ở phía bắc Baghdad và ở miền nam của Iraq, làm hơn 20 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari tại biệt thự ở Vùng Xanh, thuộc thủ đô Baghdad, ông Kerry nói rằng, đây là thời điểm rất quan trọng ở Iraq. Ông Kerry cũng gặp gỡ Thủ tướng Abadi và ông Nechirvan Barzani, người đứng đầu khu vực tự trị người Kurd ở Iraq.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, ông Kerry đã nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với chính phủ Iraq về các thách thức an ninh, kinh tế và chính trị. Thực tế, Mỹ không muốn ông Abadi bị lật đổ, để không ảnh hưởng gì đến chiến dịch chống IS. Hồi đầu tuần này, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định rằng, việc chống lại nhóm chiến binh Hồi giáo IS là “ưu tiên hàng đầu” của ông.
Mỹ đã rút quân khỏi Iraq vào năm 2011 nhưng hiện triển khai hàng ngàn binh sĩ tham gia cùng liên minh quốc tế trong chiến dịch chống IS. Trong hai tuần qua, lực lượng Iraq, với sự hậu thuẫn của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, đã tiến hành không kích các khu vực tại thị trấn Hit, cách thủ đô Baghdad 130km về phía tây bắc. Lầu Năm Góc đang cân nhắc mở thêm các căn cứ quân sự nhỏ để yểm trợ pháo binh hoặc tiến hành những trợ giúp khác cho các lực lượng của Iraq.
Iraq quả là đang gặp khó khăn và Tổng thống Abadi cần sự “chống lưng” để thoát khỏi rối rắm. Dù nắm giữ trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới nhưng Iraq phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và các dịch vụ công yếu kém. Từ mùa hè năm ngoái, ông Abadi đã đề xuất những cải cách để chống tham nhũng và chi tiêu lãng phí của chính phủ nhưng căng thẳng sắc tộc và cuộc chiến chống IS làm chậm tiến trình cải cách của ông.
PHÚC NGUYÊN