.

NATO và Nga xoa dịu căng thẳng

.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga tiến hành đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng xung quanh vấn đề ở biển Baltic và Ukraine. Sự kiện này được cho là dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ NATO - Nga.

NATO tiến hành tập trận trên biển Baltic hồi tháng 6 năm ngoái. 				 Ảnh: AFP
NATO tiến hành tập trận trên biển Baltic hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, đối thoại diễn ra vào ngày 20-4 tại Brussels (Bỉ) là cuộc họp Hội đồng NATO - Nga cấp đại sứ lần đầu tiên kể từ khi khối liên minh quân sự này cắt đứt mọi quan hệ với Mátxcơva nhằm phản đối việc Crimea được sáp nhập vào Nga hồi đầu năm 2014.

NATO xác nhận, các đại sứ của 29 nước nhóm họp với các quan chức Nga tại Brussels. “Chúng tôi không ngại đối thoại”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói. Ông Stoltenberg cho hay, hai bên bàn thảo về vấn đề Ukraine, cuộc chiến ở Afghanistan và thúc đẩy sự hợp tác quân sự. Người đứng đầu NATO cũng nói rằng, trong lúc căng thẳng tăng cao thì đối thoại là điều quan trọng.

Quan hệ giữa NATO và Nga trở nên xấu đi do chiến dịch của Mátxcơva tại Syria, đồng thời do hai bên mất lòng tin sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine. Căng thẳng dấy lên trong tuần qua sau khi xảy ra hai vụ việc liên quan đến quân đội Mỹ và các máy bay Nga trên biển Baltic.

Cụ thể là các máy bay chiến đấu của Nga đã bay gần một tàu khu trục tên lửa của Mỹ trên biển Baltic. Các nước phương Tây còn cho rằng, chỉ hai ngày sau đó, một số phi cơ tiêm kích Nga đã ngăn cản một máy bay của không quân Mỹ, đồng thời chỉ trích ứng xử của Mátxcơva là “không chuyên nghiệp và không an toàn”.

Theo ông Stoltenberg, các vụ việc càng cho thấy tầm quan trọng của việc tạo kênh đối thoại quân sự để giảm rủi ro.

Căng thẳng giữa NATO và Nga còn tăng cao sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của liên minh này, bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái. Nga đổ lỗi cho NATO làm gia tăng nguy cơ xung đột bằng việc xây dựng quân đội của liên minh này ở các nước Đông Âu. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ rằng, NATO đã “đóng băng” các mối quan hệ và giờ đây khối này thấy cần thiết phải kết nối lại với Mátxcơva.

Đầu năm 2014, sau khi cuộc xung đột tại đông Ukraine bùng phát, NATO hủy bỏ cơ chế hợp tác quân sự và dân sự với Nga, nhưng để ngỏ khả năng duy trì đối thoại chính trị tại Hội đồng NATO - Nga ở cấp đại sứ hoặc cấp cao hơn.

Hội đồng NATO - Nga được thành lập tại hội nghị thượng đỉnh NATO - Nga vào tháng 5-2002 ở Rome (Ý), được xem là diễn đàn để các cựu đối thủ thời Chiến tranh Lạnh tham vấn, đưa ra quyết định chung về các vấn đề cùng quan tâm trên cơ sở đối tác bình đẳng. Lần mới đây nhất Hội đồng này nhóm họp là vào tháng 6-2014.

Theo các nhà phân tích, cuộc họp lần này cũng chưa thể xoa dịu căng thẳng kéo dài suốt 2 năm qua giữa NATO và Nga. Hai bên vốn không hài lòng về nhau. NATO vẫn cho rằng, việc Crimea sáp nhập vào Nga khiến châu Âu bị đe dọa và liên minh này hiện đại hóa quân sự để đối phó Mátxcơva.

Thực tế, NATO tiến hành hiện đại hóa quân sự với tốc độ chóng mặt kể từ sau Chiến tranh Lạnh và đẩy mạnh sự hiện diện ở Đông Âu. Đặc phái viên Nga tại NATO Alexander Grushko chỉ trích chính NATO làm căng thẳng an ninh ở châu Âu leo thang. “Mối quan hệ giữa NATO và Nga rất xấu”, ông Grushko xác nhận.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.