Ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) dự kiến bàn về vấn đề Biển Đông khi nhóm họp tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản, bất chấp Trung Quốc cho rằng không nên đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại Hiroshima. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters cho biết, ngày 10-4, hội nghị ngoại trưởng G7 khai mạc tại thành phố Hiroshima nhằm bàn thảo về những vấn đề cấp bách toàn cầu như hòa bình ở Trung Đông, cuộc khủng hoảng di cư, xung đột ở Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố. Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, trong hai ngày diễn ra hội nghị, các ngoại trưởng đề cập về các bước chống khủng bố, an ninh hàng hải và các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên, Ukraine, Trung Đông. Không những thế, nước chủ nhà Nhật Bản cũng muốn nêu những quan ngại về tình trạng căng thẳng gia tăng do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Trước đó, hãng Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản rằng, các ngoại trưởng G7 sẽ bày tỏ quan ngại về hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua đe dọa hoặc vũ lực. Các ngoại trưởng G7 cũng sẽ lên tiếng về tình hình tại Biển Hoa Đông, nơi tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku (cách gọi của Nhật Bản, Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).
Theo Reuters, những nội dung được các ngoại trưởng đề cập là tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại tỉnh Mie của Nhật Bản vào ngày 26 và 27-5 tới.
Đáng lưu ý là ngày 9-4 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, Nhật Bản không nên đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị G7 vì có thể điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. “G7 giống như G20, chỉ tập trung những chủ đề kinh tế và phát triển mà thế giới quan tâm nhất”, ông Vương Nghị nói. Thậm chí, trước đó, ông Khổng Huyễn Hựu, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, cách ứng xử của Nhật tại hội nghị G7 lần này là phép thử đối với mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh với Tokyo.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mark Toner nói rằng, vấn đề Biển Đông sẽ có thể được đề cập tại hội nghị. Washington không muốn chứng kiến bất kỳ hành động nào làm căng thẳng leo thang ở khu vực. “Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng”, ông Toner nói.
Tháng 4 năm ngoái, tại hội nghị ngoại trưởng G7 ở Đức, tuyên bố chung cũng bày tỏ quan ngại về hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc không những tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo mà còn lắp đặt tên lửa và radar tại khu vực này.
Cũng trong ngày 10-4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Hiroshima. Cùng với những người đồng cấp khác đến từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản, ngày 11-4, ông Kerry sẽ đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân bom hạt nhân tại Công viên tưởng niệm hòa bình và thăm bảo tàng chứng tích bom nguyên tử ở thành phố này.
Các nhà quan sát nhận định: Đây là chủ ý của Nhật Bản nhằm gửi thông điệp rõ ràng về sức tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử, từ đó kêu gọi thế giới nhanh chóng tiến hành phi hạt nhân hóa. Hiện Tokyo vẫn theo đuổi quan điểm thúc đẩy một thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Chuyến công cán của ông Kerry đến Hiroshima cũng được cho là “dọn đường” để Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới.
Trong Thế chiến thứ hai, máy bay Mỹ đã rải bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 6-8-1954, làm 140.000 người chết. Ba ngày sau đó, Mỹ tiếp tục rải bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki, làm 74.000 người chết.
PHÚC NGUYÊN