Đồ chơi và quần áo của Trung Quốc được xếp “hàng đầu” trong danh mục các hàng hóa nguy hiểm của năm 2015 vừa được cảnh báo trên toàn Liên minh châu Âu (EU).
Theo EU Business, đây là danh mục các hàng hóa nguy hiểm không phải thực phẩm do hệ thống cảnh báo nhanh về các sản phẩm có nguy cơ với sức khỏe con người thuộc Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là RAPEX, vừa được công bố vào ngày 25-4. Cụ thể, trong năm 2015 đã có 2.072 loại hàng hóa bị RAPEX dán nhãn cảnh báo nguy hiểm với sức khỏe con người. Trong đó, đồ chơi chiếm 27%, hàng dệt may và thời trang chiếm 17%. Đây cũng là hai hạng mục hàng hóa chiếm tỷ lệ cảnh báo nguy hiểm cao nhất trong năm 2014. Với những mặt hàng này, nội dung cảnh báo phổ biến là mức kim loại nặng như nickel và chì vượt ngưỡng cho phép, đồ chơi chứa hóa chất phthalates có thể gây vô sinh.
Nguyên tắc hoạt động của RAPEX là khi một quốc gia thành viên EU phát hiện nguy cơ sức khỏe từ một loại sản phẩm nào đó trên thị trường nước họ và phát đi cảnh báo, lập tức các quốc gia khác trong EU cũng sẽ phản ứng tức thời với sản phẩm này tại thị trường của họ.
Theo Ủy viên EU phụ trách các vấn đề của người tiêu dùng, bà Vera Jourova, thách thức lớn nhất với Ủy ban châu Âu là xác minh được các loại hàng hóa bán qua mạng đang ngày càng tăng mạnh. Việc đăng ký mua hàng trực tuyến, sau đó hàng hóa được gửi trực tiếp qua dịch vụ chuyển phát tới người mua đã khiến hàng hóa không được đưa qua các khâu kiểm định chất lượng đúng quy trình.
Thực tế hiện nay, hơn 65% người dân châu Âu mua hàng qua mạng, tỷ lệ này tăng hơn 27% so với thập niên trước đó. Đến nay, Trung Quốc đã có những biện pháp giải quyết với 11.540 cảnh báo và cũng đã khắc phục sự việc trong 3.748 trường hợp.
Trung Quốc hiện là đối tác cung cấp hàng hóa lớn nhất cho EU. Tuy nhiên, trong năm 2015, Trung Quốc có tới 62% hàng hóa bị cảnh báo nguy hiểm. Cũng theo bà Jourova, khó khăn lớn nhất với hàng hóa Trung Quốc là chuyện truy nguyên nguồn gốc. Nhà chức trách Trung Quốc không thể biết được đâu là nơi sản xuất của 1/3 số hàng hóa bị dán nhãn nguy hiểm của họ, mặc dù mỗi khi có cảnh báo về một mặt hàng nào đó, ngay lập tức RAPEX sẽ gửi thông báo tới chính quyền nước này.
Theo bà Jourova, việc tăng cường hợp tác với chính quyền Trung Quốc trong vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa vẫn sẽ là ưu tiên của EU. Dự kiến trong tháng 6 tới, bà Jourova sẽ đến Trung Quốc để thảo luận với giới chức nước này về vấn đề an toàn cho các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Ấn Độ cũng vừa công bố lệnh cấm nhập khẩu sữa, các sản phẩm từ sữa, điện thoại di động và một số mặt hàng khác của Trung Quốc. Theo Indian Times, lệnh cấm này xuất phát từ việc nhà chức trách phát hiện các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc không bảo đảm chất lượng hoặc không tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, Ấn Độ cấm nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc vì chất lượng không thể chấp nhận. Bà Sitharaman cũng nói rằng, một số loại điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất không có số IMEI (International Mobile Station Equipment Identity - thẻ đăng ký mã số nhận dạng thuê bao di động toàn cầu), hay thiếu các yếu tố bảo đảm chất lượng khác. Ấn Độ cũng cấm nhập khẩu một số sản phẩm thép từ Trung Quốc.
TRẦN ĐẮC LUÂN