Pháp đang kêu gọi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa Panama vào danh sách các “thiên đường trốn thuế” sau vụ rò rỉ 11,5 triệu “Tài liệu Panama” đang gây chấn động. Song, Panama tuyên bố sẽ có những biện pháp trả đũa.
Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở chính tại Panama nhưng có chi nhánh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: AP |
Ngày 6-4, phát biểu trên kênh truyền thanh Europe 1, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho rằng, vụ rò rỉ “Tài liệu Panama” cho thấy Panama có xu hướng quay lại “vết xe đổ” trước đây. Vì vậy, ông kêu gọi OECD đưa quốc gia Trung Mỹ này vào danh sách các “thiên đường trốn thuế”, bởi Pháp không thể một mình xếp Panama vào “danh sách đen” mà cần có tiếng nói từ nhiều nước.
Hãng AFP cho biết, một ngày trước đó, ông Sapin tuyên bố đưa Panama vào danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác. Năm 2012, Pháp từng đưa Panama ra khỏi danh sách này sau khi hai nước ký thỏa thuận về chống gian lận thuế.
Ngay lập tức, Chính phủ Panama tuyên bố có thể trả đũa nếu Pháp quyết đưa quốc gia Trung Mỹ này trở lại danh sách “thiên đường trốn thuế”. Ông Alvaro Aleman, Bộ trưởng kiêm cố vấn Tổng thống Panama nói rằng, chính phủ nước này sẽ phân tích tình hình và sẵn sàng tiến hành hàng loạt động thái trả đũa.
Thực tế, Panama đang lo ngại vụ rò rỉ tài liệu có quy mô lớn nhất trong lịch sử thế giới có thể phá hủy nỗ lực của nước này trong nhiều năm nhằm xóa tiếng xấu là “thiên đường” cho những đối tượng rửa tiền và trốn thuế. Công ty luật Mossack Fonseca đang bị chỉ trích đã giúp khoảng 140 chính trị gia, trong đó có 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao giải trí và thể thao, các trùm băng đảng ma túy... trốn thuế.
Trong khi đó, theo AP, Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama đã gửi đơn khiếu nại lên các công tố viên nước này và cho rằng các tin tặc nước ngoài đã tấn công, đánh cắp các tài liệu trong “Tài liệu Panama”. Ông Ramon Fonseca, một trong những nhà sáng lập Mossack Fonseca, khẳng định công ty này có bằng chứng cho thấy những đối tượng đứng sau vụ tấn công là những tin tặc đến từ châu Âu.
Tuy nhiên, ông Ramon Fonseca không cho biết thêm chi tiết mà chỉ khăng khăng Mossack Fonseca không hề phạm tội và các hoạt động của công ty đều hợp pháp. Trước đó, Công ty luật Mossack Fonseca nói rằng, việc công bố “Tài liệu Panama” thực chất là đòn tấn công nhằm vào Panama.
Về phía Iceland, sau khi Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên tuyên bố từ chức vì liên quan đến vụ rò rỉ “Tài liệu Panama”, Bộ trưởng Nông nghiệp và ngư nghiệp Sigurdur Ingi Johannsson, Phó Chủ tịch đảng Tiến bộ, được giới thiệu thay ông làm Thủ tướng.
Tại Anh, Reuters dẫn lời Thủ tướng David Cameron phủ nhận việc ông có cổ phiếu hoặc có lợi ích tại các quỹ hải ngoại. Theo “Tài liệu Panama”, quỹ đầu tư do người cha quá cố của ông Cameron thành lập tại Bahamas đã không đóng một đồng thuế nào tại Anh trong suốt 30 năm. Ông Cameron cho rằng, quỹ đầu tư của cha ông chỉ là “vấn đề riêng tư”, trong khi bản thân ông không sở hữu cổ phiếu hoặc quỹ hải ngoại nào.
Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka cũng yêu cầu các cơ quan thuế điều tra về 300 công dân của nước này bị “Tài liệu Panama” “điểm danh”. Ông Sobotka nhìn nhận vụ rò rỉ tài liệu lần này sẽ thúc đẩy cuộc đấu tranh chung của nhiều nước chống lại “thiên đường trốn thuế”, trong đó có Panama. Chính phủ Czech cũng quan ngại việc gian lận và trốn thuế, hành vi vốn làm nước này thiệt hại khoảng 5,5 tỷ euro mỗi năm.
THIÊN BÌNH