.

Pháp thắng gói thầu sản xuất tàu ngầm cho Australia trị giá 40 tỉ USD

.

ĐNĐT - Pháp đã vượt qua Nhật Bản và Đức để thắng thầu cho hợp đồng trị giá 50 tỉ đô-la Australia (40 tỉ USD) sản xuất 12 tàu ngầm mới cho Australia.

Bản thiết kế phiên bản tàu ngầm Barracuda được tập đoàn DCNS của Pháp thiết kế cho lực lượng Hải quân Australia. Ảnh: Reuters
Bản thiết kế phiên bản tàu ngầm Barracuda được tập đoàn DCNS của Pháp thiết kế cho lực lượng Hải quân Australia. Ảnh: Reuters

Phát biểu trên tờ Nam Australia ngày 26-4, Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull nói rằng, nhà thầu DCNS, một tập đoàn nhà nước của Pháp, đã thể hiện khả năng tốt nhất, đáp ứng các nhu cầu riêng biệt của Australia.

Hiện Australia đang đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược và thương mại của mình tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, giữa lúc Mỹ và đồng minh đang ra sức cạnh tranh với Trung Quốc-một sức mạnh đang lên trong khu vực.

Trong khi đó, hai tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Kawasaki của chính phủ Nhật Bản từng được xem là ứng cử viên nặng ký cho hợp đồng nói trên. Tuy nhiên, sự kém kinh nghiệm trong các hợp đồng quốc phòng toàn cầu và sự chần chừ ban đầu để nói rằng các tàu đó sẽ được xây dựng tại Australia đã làm hai tập đoàn này tụt lại sau hai đối thủ là DCNS của Pháp và ThyssenKrupp AG của Đức.

DCNS đã đề nghị một phiên bản điện-diesel 5.000 tấn của tàu ngầm nguyên tử lớp Barracuda. Các nhân vật chóp bu của tập đoàn này cùng với quan chức chính phủ Pháp đã thuyết phục Australia về những giá trị mà họ đem lại cùng với các lợi ích cho mối quan hệ rộng lớn hơn.

Phía Nhật đã đề xuất xây dựng cho Australia một biến thể khác của tàu ngầm Soryu 4.000 tấn. Nếu thành công, thì đây sẽ là một thỏa thuận sẽ kết dính các quan hệ chiến lược và quốc phòng gần gũi hơn giữa hai đồng minh của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ làm Trung Quốc, một đối tác thương mại hàng đầu của Australia, nổi giận.

Trong khi đó, tập đoàn ThyssenKrupp lại đề nghị nâng cấp tàu ngầm lớp 214 2.000 tấn của mình, một thách thức kỹ thuật mà các nguồn tin của Reuters trước đó nói rằng, nó sẽ chống lại nhà thầu Đức.
Sau thất bại này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Gen Nakatani mô tả quyết định của phía Australia “là thật đáng tiếc”. Ông nói rằng, sẽ yêu cầu Australia giải thích vì sao họ không chọn bản thiết kế của Nhật Bản.

Quang Hiển (Theo Reuters)

;
.
.
.
.
.