.

Thảm họa Chernobyl: 30 năm nhìn lại

.

Ngày 26-4 đánh dấu tròn 30 năm xảy ra thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất thế giới tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố Pripyat, Ukraine. Thành phố Pripyat giờ chỉ còn là một tàn tích.

Một phụ nữ đặt hoa tại khu tưởng niệm những người lính cứu hỏa và công nhân tử nạn trong thảm họa Chernobyl. 								                 Ảnh: Reuters
Một phụ nữ đặt hoa tại khu tưởng niệm những người lính cứu hỏa và công nhân tử nạn trong thảm họa Chernobyl. Ảnh: Reuters

Trong 3 thập niên qua, chị Nadiya Makyrevych (người Ukraine) đã sống với các hậu quả của thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Chị vẫn nhớ như in buổi sáng ngày 26-4-1986, có những dấu hiệu nho nhỏ cho thấy điều gì bất thường tại khu thị trấn dành cho các công nhân, nơi chị và gia đình sinh sống. Chị cảm thấy có vị thiếc, vị kim loại trong miệng, và ngay cả cách mà cô con gái 6 tuổi của chị ngủ thiếp đi cũng có gì không bình thường.

Tuy nhiên, không có tiếng la ó nào ở thành phố Pripyat khi đó. Chính quyền Xô Viết cũng không thông báo ngay về sự cố trục trặc tại một lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl đã gây vụ nổ và phát ra đám mây phóng xạ bao trùm toàn khu vực Đông Âu, lớn hơn nhiều so với đám mây phóng xạ trong thảm họa năm 2011 ở Fukushima (Nhật Bản).

“Cho đến lúc nhận được lệnh sơ tán, chúng tôi đã phơi nhiễm phóng xạ trong 36 tiếng đồng hồ”, chị Makyrevych cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Kiev hồi tuần trước. “Cả gia đình tôi bị ảnh hưởng trong thảm họa này. Tất cả chúng tôi đều ốm, con gái tôi, con trai, chồng tôi và tôi”. Khoảng 50.000 cư dân đã được sơ tán chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ nổ hạt nhân tại nhà máy Chernobyl.

Bản thân chị Makyrevych trong 30 năm qua luôn phải điều trị thuốc men. Hằng tháng chị nhận được khoản trợ cấp 60 USD của chính phủ nhưng khoản tiền này không phải lúc nào cũng được chi trả đúng hạn.

Trong nghiên cứu về thảm họa công bố năm 2016, tổ chức Greenpeace viết: “Thảm họa Chernobyl đã gây ra thiệt hại không thể đảo ngược với môi trường và hậu quả đó sẽ còn dai dẳng trong hàng ngàn năm nữa. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người xảy ra việc một lượng lớn đồng vị phóng xạ có thời gian phân rã rất lâu bị thải ra môi trường chỉ trong một sự cố riêng lẻ như vậy”. Theo ước tính, lượng phát xạ từ tai nạn này tương đương 400 quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

30 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm họa, đến nay thành phố Pripyat vẫn chưa thể có dân cư sinh sống như bình thường. Những vùng đất nằm cạnh Chernobyl vẫn sẽ còn bỏ trống trong ít nhất 3.000 năm nữa vì mức độ nhiễm độc phóng xạ rất cao. Đó thực sự là những bằng chứng rõ ràng cho thấy những nguy hiểm lâu dài của năng lượng hạt nhân trong trường hợp xảy ra sự cố.

Thảm họa Chernobyl 1986 ở Ukraine là một trong những ví dụ kinh hoàng nhất về các hậu quả thảm khốc tiềm ẩn của một sự cố hạt nhân. Ước tính có 220.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa, lượng phóng xạ phát ra từ thảm họa này khiến 4.440km2 đất nông nghiệp, 6.820km2 đất rừng ở Belarus và Ukraine không thể sử dụng được nữa”.

Khoảng 150.000km2 đất nằm giữa 3 nước Belarus, Ukraine và Nga (có diện tích lớn hơn bang New York của Mỹ) đã bị nhiễm độc phóng xạ nghiêm trọng tới mức 8 triệu người phải gánh chịu hậu quả không thể sử dụng được đất đai cũng như phải di dời chỗ ở. Năm 2005, Liên Hợp Quốc công bố thông tin cho biết khoảng 4.000 người đã tử vong tại 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ thảm họa Chernobyl.

Đến năm 2016, khoảng 5 triệu người vẫn đang sống tại những khu vực được cho là còn nhiễm mức phóng xạ cao. Các chuyên gia hạt nhân đang tiến hành dọn dẹp khu vực bị nhiễm phóng xạ sau thảm họa nói rằng, việc phục hồi khu vực này sau 3.000 năm nữa vẫn là dự tính lạc quan. Khi được hỏi lúc nào con người lại có thể sinh sống ở khu vực ở gần lò phản ứng hạt nhân, Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ihor Gramotkin, cho biết: “Ít nhất là 20.000 năm nữa”.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia, khoa học, bất kể 3.000 hay 20.000 năm nữa, một số người dân địa phương vẫn quyết định trở về sinh sống tại những nơi mà họ gọi là nhà mình. Bà Lozbin và chồng đã trở về nhà họ ở cách nhà máy điện hạt nhân Chernobyl 7km từ năm 2010. Bà nói: “Chúng tôi quyết định lưu giữ lịch sử của Chernoby. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ trở lại đây sinh sống, và con cháu họ sẽ chứng kiến cuộc sống thời đó như thế nào…”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.