.

Thế giới cam kết điều tra "Tài liệu Panama"

.

Việc 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở chính tại Panama liên quan đến trốn thuế, rửa tiền bị rò rỉ đang gây chấn động thế giới, bởi có liên quan đến hàng trăm chính trị gia, các ngôi sao giải trí và bóng đá, cùng nhiều ngân hàng lớn. Đây là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Hàng loạt quốc gia khẳng định sẽ điều tra vụ bê bối này.

Tòa nhà trụ sở của Công ty luật Mossack Fonseca tại Panama.   					                 Ảnh: AFP
Tòa nhà trụ sở của Công ty luật Mossack Fonseca tại Panama. Ảnh: AFP

Vụ bê bối bùng nổ vào ngày 3-4 khi các cơ quan truyền thông bắt đầu tiết lộ kết quả một cuộc điều tra dựa vào 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca. Từ đó cho thấy, các khách hàng của Mossack Fonseca đã trốn thuế và rửa tiền.

Điều đáng nói là trong danh sách khách hàng đã tìm đến “thiên đường trốn thuế” có các trợ lý thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người thân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và cả ngôi sao bóng đá người Argentina Lionel Messi, ngôi sao điện ảnh Thành Long.

Áp lực với các chính trị gia

Hãng AFP cho biết, Úc đã tuyên bố điều tra 800 công dân nước này mà “Tài liệu Panama” đã “nhận diện”. Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Israel tuyên bố điều tra vụ việc. Bộ Tài chính Pháp khẳng định, Paris sẽ tìm cách tiếp cận các tài liệu và sẽ trừng phạt những đối tượng trốn thuế.

Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Thụy Điển, Ukraine, Costa Rica cũng cam kết điều tra các cá nhân, công ty và ngân hàng bị “Tài liệu Panama” điểm tên. Trong khi đó, Chính phủ Anh yêu cầu được cung cấp bản sao dữ liệu bị rò rỉ về danh sách khách hàng được Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama giúp trốn thuế, để giới chức London xác minh thông tin và có biện pháp xử lý.

Về phía Panama, AFP dẫn lời Tổng thống Juan Carlos Varela nói rằng, nước này sẽ hợp tác với các nhà điều tra quốc tế, đồng thời cam kết “bảo vệ hình ảnh của đất nước”, vốn đang nỗ lực thoát khỏi hình ảnh là thiên đường trốn thuế và các vụ giao dịch mờ ám.

Tại thủ đô Reykjavik của Iceland, hàng ngàn người xuống đường biểu tình kêu gọi Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức, đồng thời tổ chức cuộc bầu cử mới, bởi ông và vợ bị cáo buộc đã sử dụng “công ty ma” để trốn thuế hàng triệu đô-la.

Các biểu ngữ mang những dòng chữ “Hãy bỏ phiếu ngay”, “Thủ tướng phải từ chức” được giăng khắp đường phố. Một số người thuộc đảng đối lập yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Gunnlaugsson. Một kiến nghị trực tuyến đòi ông Gunnlaugsson từ chức đã thu được hơn 23.000 chữ ký. Hiện tại, nhà lãnh đạo này vẫn bác bỏ mọi cáo buộc cũng như việc từ chức.

“Tôi chưa cân nhắc chuyện từ chức do vấn đề này và tôi cũng sẽ không từ chức chỉ vì vấn đề này”, ông Gunnlaugsson nói.

Thủ tướng Iceland còn khẳng định, tài sản không được cất giấu ở một “thiên đường trốn thuế”, mà đã được khai báo đầy đủ và đóng thuế đúng quy định tại Iceland. Hơn nữa, theo ông Gunnlaugsson, bản thân ông và chính phủ liên minh trung hữu luôn đặt quyền lợi của người dân trên lợi ích cá nhân.

Trung Quốc “phản pháo”

Ngày 5-4, Trung Quốc bác bỏ các thông tin cho rằng, người thân của Chủ tịch Tập Cận Bình đã sở hữu “các công ty ma”. AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại  giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ trích các thông tin “vô căn cứ” chỉ dựa trên tài liệu bị rò rỉ không đáng tin cậy từ Công ty luật Mossack Fonseca.

Người phát ngôn này nói rằng, ông sẽ không bàn thảo thêm về các thông tin và cũng không cho biết những cá nhân nào sẽ bị điều tra. “Với những cáo buộc vô căn cứ, tôi không có bình luận gì”, ông Hồng Lỗi nói.
Các báo chí Trung Quốc cũng không đưa tin về những gì mà “Tài liệu Panama” tiết lộ. Thậm chí, các kết quả tìm kiếm trên các trang web và mạng xã hội đối với cụm từ “Tài liệu Panama” đều bị chặn ở Trung Quốc.

Mossack Fonseca có các chi nhánh đang hoạt động tại 8 thành phố của Trung Quốc, trong đó có Hong Kong; ngoài ra còn có các trung tâm tài chính lớn ở Thượng Hải và Thâm Quyến, cũng như ở những thành phố cảng Thanh Đảo và Đại Liên.

Theo báo Guardian có trụ sở tại Anh, qua khảo sát của Mossack Fonseca cho thấy, hầu hết những người sở hữu “công ty ma” đến từ Trung Quốc đại lục, tiếp đó là Hong Kong. Theo AFP, điều này đặt ra một câu hỏi: các chi nhánh của Mossack Fonseca đã hoạt động như thế nào tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca, gọi là “Tài liệu Panama”, ghi lại hoạt động của Công ty luật Mossack Fonseca suốt 40 năm (từ năm 1975 đến tháng 12-2015). Đây được xem là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất thế giới từ trước đến nay, lớn hơn cả vụ WikiLeaks; đồng thời vẽ ra bức tranh tham nhũng toàn cầu, cũng như vén bức màn về những bí mật của giới nhà giàu.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.