.

5 năm sau cái chết của Bin Laden, những tranh cãi chưa hồi kết

.

Năm năm đã trôi qua kể từ cái chết của Osama Bin Laden, những tranh cãi bắt đầu nổ ra xoay quanh một báo cáo Quốc hội của Mỹ về vụ việc ngày 11-9.

Trùm khủng bố Osama Bin Laden. (Nguồn: AP)
Trùm khủng bố Osama Bin Laden. (Nguồn: AP)

Cựu Thượng nghị sỹ Florida Bob Graham đã đồng chủ trì cuộc thăm dò ý kiến trong Quốc hội năm 2002 về các vụ tấn công. Hiện ông đang hối thúc chính quyền ông Obama công khai 28 trang báo cáo đang gây tranh cãi.

Ông khẳng định các trang báo cáo này cho thấy mối liên hệ giữa sự kiện 11/9 và Saudi Arabia. Cả chính quyền Obama và chính quyền Bush trước đó đều khẳng định các vấn đề an ninh quốc gia là lý do khiến báo cáo không được công khai.

Ông Graham thì cho rằng, không có gì trong số tài liệu này đủ điều kiện để được xem như một vấn đề an ninh quốc gia.

Chiến dịch công khai các tài liệu của ông Graham tập trung vào mối quan hệ giữa những tên không tặc - 15 trong số 19 kẻ này tới từ Saudi Arabia - và một gia đình Saudi Arabia nổi tiếng sống ở Sarasota, Florida.

Theo CCTV News, chia sẻ với kênh truyền hình Mỹ Meet The Press, ông cho rằng "không có khả năng" 19 kẻ tấn công khủng bố tự mình hành động.

"Ai có thể là người có khả năng hỗ trợ chúng nhất? Tôi nghĩ rằng mọi chứng cứ đều chỉ về phía Saudi Arabia. Chúng ta biết rằng Al Qaeda khởi đầu từ Saudi Arabia. Đó là một sản phẩm của Saudi Arabia."

Hôm Chủ nhật vừa rồi, giám đốc CIA John Brennan nhấn mạnh rằng 28 trang báo cáo ông Graham đề cập có chứa thông tin không chính xác và không nên được công bố.

Ông nói rằng báo cáo Quốc hội năm 2002 có những thông tin chưa được chứng minh và đã được đánh giá lại trong các báo cáo sau này. Ông cũng nói với chương trình Meet The Press rằng: "không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Saudi Arabia, hay các quan chức nước này đóng vai trò gì trong việc hỗ trợ khủng bố."

Cựu đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, Hoàng tử Bandar Bin Sultan cũng đã kêu gọi công khai số tài liệu này và khẳng định quốc gia của mình "không có gì cần che giấu."

Saudi Arabia đã nhiều lần bị buộc tội - và phản bác những lời buộc tội - rằng quốc gia này có dính líu đến và đã tài trợ cho các nhóm khủng bố một cách trực tiếp hoặc mắt nhắm mắt mở với các khoản ủng hộ tư nhân.

"IS... là sản phẩm của lý tưởng, tiền bạc và hỗ trợ tổ chức của Saudi Arabia, dù bây giờ họ đang tỏ ra cực kỳ chống IS," Graham nhận định trên tờ Newsweek.

Theo một ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Cực đoan hóa và Bạo lực chính trị, khoảng 1.500-2.000 người Saudi hiện đang tham chiến ở Iraq và Syria để ủng hộ cho tổ chức IS.

Một số đã trở về Saudi Arabia, và các chi nhánh địa phương của IS đã nhận trách nhiệm cho hàng loạt vụ đánh bom và nổ súng gây chết người nhắm vào các lực lượng an ninh và cộng đồng thiểu số Shi’ite.

Nhà nước Hồi giáo IS cũng kịch liệt phản đối sự cai trị của hoàng gia người Sunni, và buộc tội họ là những kẻ phản bội do có quan hệ với phương Tây.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.