Tại buổi họp báo được tổ chức ở Hà Nội sáng 10-5, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel R.Russel nói rằng, Washington không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mà chỉ cố giữ sự cởi mở, tự do với mọi người, đồng thời bảo đảm các quyền theo luật pháp quốc tế không bị xói mòn.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel R.Russel phát biểu tại buổi họp báo ở Hà Nội. Ảnh: TTO |
Phát biểu tại buổi họp báo, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel R.Russel cho biết, tình hình Biển Đông sẽ là vấn đề được Tổng thống Barack Obama bàn bạc kỹ với lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm vào cuối tháng 5 này. “Vấn đề không phải là một hòn đảo thuộc sở hữu của ai mà là cách hành xử như thế nào trong vùng biển quốc tế và đây là mối quan tâm của toàn thế giới”, TTXVN dẫn lời ông Russel nói.
Quan ngại về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông
Theo ông Russel, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông như tuyên bố chủ quyền, cải tạo và quân sự hóa các đảo. Song, Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp mà đứng về phía luật pháp quốc tế. “Các nước tuyên bố chủ quyền đều là bạn bè của chúng tôi nên Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm sự ổn định của khu vực. Đó là lý do vì sao chúng tôi làm việc với Việt Nam và các nước khác nhằm làm giảm căng thẳng, khuyến khích các bên thực hiện theo tiến trình ngoại giao để giải quyết các bất đồng”, ông Russel nói.
Trả lời câu hỏi về việc liệu các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông có phải là nguyên nhân khiến Trung Quốc gia tăng các hành động quân sự, vị quan chức Mỹ cho rằng, hành động của nước ông tuân theo luật pháp quốc tế. Theo ông, đó là quyền không chỉ của Mỹ mà tất cả các nước khác như Việt Nam, Trung Quốc đều có thể thực hiện. “Đó là chính sách chúng tôi thực hiện hàng thập niên qua và việc thực hiện tuần tra nhằm thể hiện ủng hộ sự cởi mở của hệ thống quốc tế”, ông Russel khẳng định.
Vị quan chức ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, nếu tàu chiến không thực hiện được quyền chính đáng theo luật pháp quốc tế thì liệu tàu của ngư dân, tàu chở hàng có thể thực hiện quyền của mình mà không bị ngăn cản không. “Mỹ không tuyên bố chủ quyền và không hề mong muốn có được đảo nào ở Biển Đông. Chúng tôi chỉ cố giữ được sự cởi mở, tự do với mọi người và bảo đảm các quyền theo luật pháp quốc tế không bị xói mòn”, ông Russel nhấn mạnh.
Tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý đá Chữ Thập
Cũng trong ngày 10-5, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban cho biết, tàu USS William P.Lawrence của Hải quân Mỹ đã tiến sát đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc cảnh báo rằng, những chỉ trích của cộng đồng quốc tế liên quan tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ bị phản tác dụng.
Trong một tuyên bố bằng thư điện tử, người phát ngôn Bill Urban nhấn mạnh: Hoạt động tự do hàng hải do tàu USS William P.Lawrence thực hiện trong phạm vi 12 hải lý của đá Chữ Thập nhằm “thách thức những tuyên bố hàng hải quá đáng của một số bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”. Ông Bill Urban nói thêm: “Những tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá đáng đó đi ngược lại luật pháp quốc tế, như phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), vì chúng có mục đích hạn chế quyền tự do đi lại mà Mỹ và tất cả các nước đều được hưởng”.
Trong buổi họp báo ở thủ đô Bắc Kinh ngày 10-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên chỉ trích tàu chiến Mỹ đi vào sát đá Chữ Thập mà không có sự cho phép của nước này. Ông Lục Khảng nói rằng, Trung Quốc đã theo dõi và cảnh báo tàu USS William P.Lawrence; đồng thời tố hành động của Mỹ đe dọa cái gọi là “lợi ích an ninh và chủ quyền của Trung Quốc”, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.
Mỹ hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh Tại cuộc họp báo ở Hà Nội vào sáng 10-5, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương của Mỹ Daniel R.Russel cho biết, sẽ có 5 lĩnh vực quan trọng được bàn tới trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào cuối tháng 5. Một là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông Russel, đây là hiệp định không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cả khu vực. “Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện hiệp định quan trọng này”, ông Russel nói Hai là hoạt động hợp tác giao lưu giữa hai nước. Ông Russel khẳng định: Phía Mỹ sẽ mở rộng hợp tác đầu tư vào thế hệ trẻ Việt Nam. Ba là ứng phó với hàng loạt thách thức trong khu vực và toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là đợt hạn hán mà Việt Nam đang phải gánh chịu. Ngoài ra, những vấn đề khác cũng được quan tâm là: y tế, các bệnh truyền nhiễm hay khủng bố. Bốn là việc giải quyết hậu quả chiến tranh. Ông Russel khẳng định: Phía Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam đề rà soát bom mìn, hồi hương những hài cốt trong chiến tranh hay việc xử lý ô nhiễm. Năm là cải cách pháp luật tại Việt Nam và vấn đề nhân quyền. Trả lời thêm về ý nghĩa của chuyến thăm khi ông Obama sang Việt Nam lúc gần hết nhiệm kỳ, đại diện Mỹ cho rằng, chính sách của Washington luôn ủng hộ việc tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. |
B.T tổng hợp