Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump, nói rằng ông sẵn sàng gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên để bàn thảo về chương trình hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập sự thay đổi trong chính sách ngoại giao với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AP |
Phát biểu của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra khi trả lời phỏng vấn Reuters ngày 17-5 (giờ Washington). Song, ông không tiết lộ chi tiết kế hoạch đối phó với Triều Tiên, chỉ khẳng định: “Tôi sẽ nói chuyện với ông ấy (nhà lãnh đạo Kim Jong-un)”. Giới quan sát cho rằng, một cuộc gặp gỡ giữa ông Donald Trump nếu vị tỷ phú này đắc cử Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Thực tế, rất ít khi có đối thoại giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng rút khỏi bàn đàm phán hạt nhân vào năm 2008.
Ngoài ra, ông Trump cũng khẳng định sẽ gây nhiều sức ép lên Trung Quốc, đồng minh hỗ trợ chính về kinh tế và ngoại giao của CHDCND Triều Tiên để Bắc Kinh hỗ trợ tìm ra giải pháp. “Tôi sẽ gây nhiều áp lực lên Trung Quốc bởi chúng ta có sức mạnh kinh tế to lớn so với Trung Quốc. Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề bằng một cuộc gặp hoặc một cuộc điện thoại”, ứng cử viên Tổng thống 69 tuổi của đảng Cộng hòa nói.
Hiện tại, phía Trung Quốc vẫn khẳng định đối thoại là cần thiết để giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. “Trung Quốc ủng hộ đàm phán trực tiếp và trao đổi giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên. Chúng tôi tin điều này có lợi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói.
Trong khi đó, AP cho biết, chính phủ của Tổng thống Barack Obama cũng nói rằng sẽ sẵn sàng nối lại đàm phán chỉ khi nào CHDCND Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thay vì ông Kim Jong-un giảm chương trình hạt nhân thì kể từ khi ông nắm quyền cách đây 4 năm, Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân 2 lần. Ông cũng cho phóng tên lửa tầm xa, làm dấy lên quan ngại rằng, Bình Nhưỡng đang tiến gần hơn việc sở hữu một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Mỹ. Đáp lại, Mỹ dẫn đầu những nỗ lực của quốc tế để gia tăng các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Đến nay, chưa có Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào gặp gỡ lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên mặc dù các cựu Tổng thống Mỹ đã gặp những người tiền nhiệm của ông Kim Jong-un trong các chuyến thăm quốc gia Đông Bắc Á này. Cụ thể, năm 1994, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp gỡ ông Kim Nhật Thành, sự kiện mở đường cho thỏa thuận giải giáp hạt nhân mà sau này chính phủ của Tổng thống Bill Cliton đã đàm phán với Bình Nhưỡng; tiếc là đàm phán sau đó đổ vỡ. Năm 2009, ông Jimmy Carter gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il khi đến Bình Nhưỡng để thúc đẩy việc phóng thích 2 nhà báo Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giữ.
Khi là ứng cử viên Tổng thống, ông Barack Obama bị các đối thủ của cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa chỉ trích rằng, ông sẵn sàng gặp gỡ vô điều kiện các nhà lãnh đạo của những quốc gia như: Iran, Cuba và CHDCND Triều Tiên. Lúc đó, chính bà Hillary Clinton chỉ trích quan điểm của ông Obama là ngây thơ và thiếu trách nhiệm.
Trong 8 năm nắm quyền, ông Obama thừa hưởng “di sản” chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm G.W.Bush đã không gặp gỡ các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Song, ông gặp Chủ tịch Cuba Raul Castro, trong đó có cuộc gặp tại thủ đô Havana vào năm nay. Tổng thống Mỹ cũng sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào năm 2013. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Iran đã từ chối cuộc gặp hiếm hoi này.
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump gây sốc khi mạnh dạn thông báo giá trị khối tài sản ròng mà ông đang nắm giữ lên tới hơn 10 tỷ USD. Theo đó, ông trở thành ứng cử viên giàu có bậc nhất trong số các ứng cử viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Năm ngoái, tạp chí Forbes của Mỹ ước tính tài sản của ông Trump khoảng 4 tỷ USD. |
PHÚC NGUYÊN