Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nếu con người không kịp ứng phó với biến đổi khí hậu thì tới năm 2050 sẽ đẩy 1,3 tỷ người vào cảnh khốn khổ.
Lũ lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở những nước nghèo. |
Báo cáo mới nhất hồi đầu tuần của WB cho biết, vào năm 2050, khả năng 1,3 tỷ người rơi vào cảnh khốn khổ và số tiền thiệt hại lên tới 158.000 tỷ USD vì thảm họa thiên nhiên có gốc gác từ biến đổi khí hậu là điều có thể xảy ra. Đây là số tiền gấp đôi GDP hằng năm toàn cầu. Chính vì thế, mọi người phải thay đổi về phản ứng quá chậm chạp hiện tại với khí hậu.
Quỹ giảm nhẹ và hồi phục thiên tai toàn cầu cho biết tổng thiệt hại do thảm họa đã tăng vọt trong vài thập niên gần đây; đồng thời cảnh báo sẽ nguy hiểm hơn nữa khi kết hợp sự ấm lên toàn cầu với dân số tăng nhanh và người dân dễ bị tổn thương ở những khu ổ chuột, tốc độ phát triển đô thị quá nhanh.
Giám đốc cấp cao của WB là John Roome nói rằng: “Nếu chúng ta không thay đổi cách tiếp cận với phát triển đô thị và khu vực ven biển (dân số tập trung quá đông) thì dẫn tới nguy cơ rủi ro rất cao trong tương lai. Dân số thành thị và ven biển tăng cao trong khi mực nước biển cũng dần cao là cực kỳ nguy hiểm. Nếu như thảm họa thiên tai hằng năm ở 136 thành phố ven biển ở mức 6 tỷ USD hồi năm 2010 có thể tăng lên tới 1.000 tỷ vào năm 2070”.
Tổng thiệt hại hằng năm (tính theo chu kỳ 10 năm) đã tăng gấp 10 lần kể từ giai đoạn 1976-1985 và 2005-2014, từ mức 14 tỷ USD lên 140 tỷ USD. Số trung bình người bị ảnh hưởng hằng năm trong cùng thời kỳ cũng tăng đáng kể, từ mức 60 triệu lên hơn 170 triệu người.
Oxfam (một liên minh quốc tế hoạt động tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) tuần này kêu gọi các nước giàu thực hiện những cam kết tại Hội nghị Paris hồi năm ngoái về biến đổi khí hậu, trong đó có hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo chịu tác động về lượng khí thải.
Hàng triệu người dân cần sự giúp đỡ để thích ứng với biến đổi khí hậu đang tăng lên. Ước tính mới nhất cho biết chỉ có khoảng 4 tỷ tới 6 tỷ USD dành cho biến đổi khí hậu toàn cầu là quá thấp.
Rủi ro thiên tai có ba yếu tố. Thứ nhất là tần số các sự cố thiên tai xảy ra có thể gây nguy hiểm, chẳng hạn như động đất hay bão nhiệt đới. Thứ hai là số dân và tài sản nằm trong khu vực nguy hiểm. Thứ ba là mức độ tác động của thiên tai với dân số và tài sản.
WB dự báo ít nhất tăng 40% dân số ở 14/20 thành phố đông dân nhất thế giới trong giai đoạn từ 2015 tới 2030, với nhiều thành phố tăng thêm khoảng 10 triệu người. Phần lớn những thành phố này nằm ở vùng đồng bằng và dễ bị lũ lụt hay các thảm họa thiên nhiên khác nên người dân và tài sản rất dễ bị hao hụt.
Francis Ghesquiere, Trưởng ban thư ký của Quỹ giảm nhẹ và hồi phục thiên tai toàn cầu kêu gọi cần có chính sách và hành động nhằm hạn chế tới mức tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, khí hậu, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất của các nhà máy. Có như thế mới hy vọng số người và tài sản bị tác động bởi biến đổi khí hậu ít hơn dự báo.
ANH THƯ (Theo Business Green)