Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama (từ ngày 23 đến 25-5) là tâm điểm được cả thế giới chú ý. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm mà cả Mỹ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam. Ảnh: EPA |
Báo chí, học giả và dư luận Mỹ đều xem chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama là một sự kiện lớn, mang tầm quốc tế, vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của quan hệ song phương Việt - Mỹ, dẫu trọng tâm của chuyến thăm bàn về phát triển mối quan hệ giữa hai đối tác từng là cựu thù này.
Hiển nhiên chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama có tầm quan trọng đặc biệt. Các trung tâm nghiên cứu, các nhà phân tích chính trị, các học giả, các nhà báo... đã đưa ra nhiều phân tích, đánh giá, nhận định, bình luận và dự báo về nhiều vấn đề liên quan đến chuyến thăm này từ trước khi nó diễn ra.
Đài BBC Việt ngữ dẫn nhận định của bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói: “Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng vì nó đến vào thời điểm mà cả Mỹ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Để mối quan hệ song phương ngày càng vững chắc, Việt Nam và Mỹ cần liên tục bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau”.
Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, nhiều nhà quan sát cho rằng, ý nghĩa của chuyến thăm trước hết được gắn với chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc - một đối thủ và cũng là đối tác của Mỹ - đang thực sự “trỗi dậy”, nhưng không phải “trỗi dậy hòa bình” như họ nói, trở thành một thách thức tiềm tàng đối với chủ trương “xoay trục” của Mỹ.
Theo tờ New York Times số ra ngày 15-5, “đối với ông Obama, chuyến đi này là cơ hội để củng cố chính sách xoay trục sang châu Á, tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam, một quốc gia đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực”.
Không phải ngẫu nhiên mà cả ba đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau - từ Bill Clinton đến G.W.Bush rồi Barack Obama - đều đến Việt Nam khi còn tại nhiệm kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước (năm 1995). Trong mắt các nhà hoạch định chủ trương “xoay trục” của Mỹ, Việt Nam luôn là một điểm nhấn trên bản đồ địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng nhóm tư vấn lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin và hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Phát triển (VIDS), trong một bài viết được đăng tải trên trang mạng BBC Việt ngữ ngày 16-5, cho rằng “nhiều chỉ dấu cho thấy sẽ có thêm đột phá về chất trong quan hệ Việt - Mỹ” và “Đồng vọng của chuyến công du trong trường hợp ấy sẽ lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực.”
TS Đinh Hoàng Thắng nói thêm: “Theo giới quan sát, quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đã có nhiều dấu mốc tiến triển quan trọng” và bình luận: “Sau bao thăng trầm, nhiều chỉ dấu cho thấy, Việt Nam và Mỹ có thể đang đứng trước cơ hội lớn để nâng tầm bang giao lên cấp độ chiến lược trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực đầy bất trắc, biến động”.
Một điều quan trọng nữa là liệu Tổng thống Obama có tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian ít ỏi còn lại của nhiệm kỳ cuối hay không. Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận này sẽ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa thương mại. Dư luận nhìn chung đều cho rằng, ông Obama “sẽ đi vào lịch sử” nếu ông làm được điều này, giống như ông đã tạo được đột phá trong quan hệ với Cuba hoặc đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân.
Bất luận thế nào, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vẫn là sự kiện tạo được dấu ấn khó quên trong quan hệ Việt - Mỹ.
Sáng 19-5 (giờ Việt Nam), Trung tâm Báo chí quốc tế Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức họp báo về chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 23 đến 25-5 của Tổng thống Barack Obama. Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink đã công bố lịch trình chính thức chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. Dự kiến ông Obama sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện trên một loạt lĩnh vực như: hợp tác kinh tế - thương mại, giao lưu nhân dân, an ninh, nhân quyền cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm. Về hợp tác quốc phòng - an ninh, ông Kritenbrink nhấn mạnh Việt Nam và Mỹ đã cam kết thúc đẩy an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên nguyên tắc tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế. Ông cho biết, phía Mỹ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam trên một loạt lĩnh vực từ giáo dục, cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình cho tới an ninh hàng hải. Ông Kritenbrink khẳng định: Sau khi quan hệ hai nước đã đạt được những tiến triển vượt bậc trong 20 năm qua, chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ đặt nền tảng vững chắc cho những thành tựu trong vòng 20 năm tới và xa hơn nữa. Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel một lần nữa khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Obama là một chuyến thăm lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương Việt - Mỹ. |
TTXVN