Các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý và giải quyết hòa bình đối với các tranh chấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Ảnh: TTXVN |
Hãng AFP cho biết, ngày 27-5, ngày nhóm họp cuối cùng tại Ise-Shima, tỉnh Mie của Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 (gồm: Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) khẳng định tăng cường hợp tác để đối phó với sự tăng trưởng không bền vững của kinh tế toàn cầu cũng như bảo đảm an ninh hàng hải, nhất là ở Biển Đông. Tuyên bố của G7 tuy không đề cập Bắc Kinh nhưng vẫn bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý và giải quyết hòa bình đối với các tranh chấp; theo đó, tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng.
Các nhà lãnh đạo cho rằng, những tuyên bố chủ quyền cần căn cứ luật pháp quốc tế. Hơn nữa, các nước nên kiềm chế những hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, tránh sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm tìm cách đạt được những tuyên bố về chủ quyền.
Tại phiên họp mở rộng cùng ngày, với sự tham gia của các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á, châu Phi, các bên cũng bày tỏ quan ngại về những hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như thảo luận việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở châu Á, các thị trường mới nổi khác.
Tham gia cuộc họp mở rộng có đại diện Indonesia, Lào, Việt Nam, Bangladesh, Papua New Guinea, Sri Lanka và Chad (nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi). Nhật Bản muốn mở rộng phiên họp G7 để tập trung sự ổn định và phồn thịnh của châu Á, cũng như những mục tiêu phát triển ổn định của Liên Hợp Quốc ở châu Phi.
Tuy nhiên, theo Reuters, Trung Quốc không hài lòng về quan điểm của G7. Tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật Bản đăng cai tổ chức đã “thổi phồng” vấn đề Biển Đông và phóng đại những căng thẳng không nhằm có lợi cho sự ổn định trên Biển Đông, cũng không phù hợp với vị trí của G7 là tạo nền tảng cho việc quản lý các nền kinh tế phát triển. “Trung Quốc vô cùng không hài lòng về những gì mà Nhật Bản và các nước G7 đã làm”, người phát ngôn này nói.
Ưu tiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Theo AFP, G7 khuyến cáo nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với “những cơn gió ngược” không mong muốn. Song, dù nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng thì các nước vẫn phải có những hành động tốt nhất. G7 cam kết tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. “Tăng trưởng toàn cầu vẫn khiêm tốn và dưới mức tiềm năng, trong khi nguy cơ tăng trưởng yếu kém vẫn tồn tại. Tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên cấp bách của chúng tôi”, Tuyên bố chung dày 32 trang của G7 nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tránh phá giá đồng nội tệ để tạo sự cạnh tranh, trong khi cảnh báo không áp dụng các biện pháp tỷ giá bừa bãi.
Phát biểu với báo giới sau 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe cho biết, nếu các nước phản ứng không thích hợp thì nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào khủng hoảng. Theo đó, G7 sẽ thúc đẩy thực thi phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu. Riêng Nhật Bản sẽ huy động mọi chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ “Abenomics” - chính sách kinh tế kết hợp giữa nới lỏng tiền tệ quy mô lớn và chi tiêu tiền tệ linh hoạt.
Ông Abe cũng nhấn mạnh sự cần thiết cho chính sách tài khóa linh hoạt để kinh tế phục hồi ổn định. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự hoài nghi về việc dùng chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng.
“Chúng ta nghe một tiếng khóc thầm” Ngày 27-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm và đặt hoa tại Khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima ở thành phố cùng tên của Nhật Bản để gửi thông điệp mạnh mẽ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Ông là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố này. Hãng AP cho biết, đề cập vụ tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945, Tổng thống Obama nói: “Cách nay 71 năm, cái chết từ trên trời rơi xuống và thế giới đã thay đổi”. Ông bày tỏ: “Chúng ta đến đây để suy nghĩ về một sức mạnh kinh khủng đã được tạo ra trong một quá khứ cách đây chưa lâu. Chúng ta đến đây để tiếc thương những người đã chết”. Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu: “Sự tiến bộ về mặt công nghệ nhưng không có sự tiến bộ tương xứng về luật lệ có thể hủy diệt chúng ta. Cuộc cách mạng đã dẫn tới việc chia đôi nguyên tử cũng cần tới một cuộc cách mạng khác về mặt đạo đức nữa”. Ông Obama nói tiếp: “Đó là lý do vì sao chúng ta tìm đến nơi đây, đứng ở giữa thành phố và hình dung khoảnh khắc quả bom rơi xuống. Chúng ta buộc bản thân phải cảm nhận nỗi khổ đau của những đứa trẻ đang kinh sợ trước những gì chúng nhìn thấy. Chúng ta nghe một tiếng khóc thầm”. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định thế giới có trách nhiệm chung trong việc ngăn chặn nguy cơ tái diễn những gì đã từng xảy ra ở Hiroshima 71 năm trước; đồng thời kêu gọi cắt giảm các kho hạt nhân và hướng tới một thế giới không có loại vũ khí hủy diệt này. |
PHÚC NGUYÊN