.

Mỹ cung cấp vũ khí để Libya chống IS

.

Mỹ cho rằng, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya là một trong những giải pháp để hỗ trợ nước Bắc Phi này chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều này mở đường cho Mỹ và các cường quốc khác cung cấp vũ khí để Libya chống IS.

Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya vẫn còn non trẻ. Thủ tướng Fayaz Seraj (giữa) kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. 			                   Ảnh: AFP
Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya vẫn còn non trẻ. Thủ tướng Fayaz Seraj (giữa) kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Ảnh: AFP

Ngày 17-5, các cường quốc nhóm họp tại thành phố Vienna (Áo) tìm giải pháp để ổn định tình hình Libya. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, các cường quốc, trong đó có Washington, sẵn sàng xem xét đề nghị từ chính phủ mới của Libya trong việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc (LHQ). Song, trong tuyên bố chung, Mỹ và các cường quốc cam kết cung cấp vũ khí cho chính phủ đoàn kết dân tộc Libya để đối phó với IS và các nhóm khủng bố khác nhưng vẫn duy trì lệnh cấm vận. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực (của Libya) nhưng vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm vận vũ khí của LHQ”, tuyên bố chung nêu rõ.

Phương Tây đang quan tâm đến chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya, vốn được LHQ hậu thuẫn, để chống IS và ngăn chặn dòng người di cư tràn qua Địa Trung Hải, mặc dù các nhà lãnh đạo mới của quốc gia Bắc Phi này hiện vẫn không kiểm soát được thủ đô Tripoli.

Phát biểu tại cuộc họp với các ngoại trưởng của hơn 20 nước, Thủ tướng Libya Fayaz Seraj cho biết, chính phủ non trẻ của ông đang nỗ lực xác lập quyền quản lý toàn diện, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ đào tạo quân đội và dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với nước này. Ông Seraj nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm với tình hình hiện nay tại Libya, nhất là trên mặt trận chống IS. “Chúng tôi có một thách thức lớn trong cuộc chiến chống Daesh (IS). Chúng tôi hy vọng sự trợ giúp về huấn luyện và trang bị cho quân đội”, ông Seraj nói.

Hồi đầu tháng 5 này, Thủ tướng Seraj cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Libya trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí và giải tỏa tài sản ở nước ngoài đang bị “đóng băng” theo lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông cho rằng, thật vô nghĩa “khi cộng đồng quốc tế hỗ trợ chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng lại cấm chúng tôi tự trang bị vũ trang”.

Trong khi đó, các cường quốc nhắc lại rằng, họ sẽ ủng hộ những nỗ lực của Libya, ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận của Thủ tướng Seraj nhưng bác bỏ việc can thiệp quân sự vào quốc gia Bắc Phi này.

Tháng 3 năm ngoái, 8 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã hoãn việc phê chuẩn yêu cầu của Libya về việc nhập khẩu vũ khí, xe tăng, máy bay phản lực và trực thăng để chống IS. Các nhà giám sát lệnh trừng phạt của LHQ lo ngại nếu yêu cầu này được thông qua thì một số vũ khí và trang thiết bị có thể rơi vào tay nhóm chiến binh. LHQ hiện áp đặt lệnh cấm vận đối với Libya nhằm ngăn chặn các loại vũ khí gây sát thương có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố và các nhóm phiến quân đang tranh giành quyền lực tại nước này.

Chính phủ đoàn kết dân tộc của ông Seraj được thành lập nhằm thay thế hai chính quyền nhỏ lẻ đối địch, một tại thành phố Tripoli và một tại thành phố cảng đông bắc Tobruk. Kể từ năm 2014, hai chính quyền nhỏ lẻ này cạnh tranh nhau về quyền lực và dầu mỏ.

Từ sau làn sóng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi tháng 8-2011 đến nay, Libya vẫn chìm trong bất ổn và IS ngày càng tăng cường hoạt động. Hội nghị quốc tế về tài trợ cho Libya giai đoạn 2 ở Vienna diễn ra trong lúc nước này đang đối mặt với tình trạng bất ổn về chính trị giữa các phe phái, cùng với mối lo ngại về khủng bố.

Lợi dụng tình hình này, IS tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu, mở rộng sự bành trướng nhằm biến Libya thành một đế chế Hồi giáo mới. Theo ước tính, IS có khoảng 5.000 chiến binh đang chiến đấu ở Libya.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.