.

Nga nổi giận vì lá chắn tên lửa của Mỹ

.

Điện Kremlin tức giận cho rằng, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania thật sự là mối đe dọa đối với an ninh của Nga.

Các tên lửa SM-2 sẽ được triển khai tại căn cứ ở Romania. 	                  Ảnh: AFP
Các tên lửa SM-2 sẽ được triển khai tại căn cứ ở Romania. Ảnh: AFP

Ngày 12-5, Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa trị giá 800 triệu USD tại Deveselu, miền nam Romania, động thái mà Washington xem là cần thiết để phòng vệ cho Washington và châu Âu. Hãng Reuters cho biết, tại buổi lễ ở căn cứ không quân Deveselu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các quan chức Mỹ và NATO đã tuyên bố kích hoạt hệ thống phòng vệ tên lửa đạn đạo có khả năng bắn hạ những tên lửa tầm ngắn và tầm trung đến từ Trung Đông, trong đó có Iran. “Hôm nay, Mỹ và Romania làm nên lịch sử khi cung cấp hệ thống này cho NATO”, Tư lệnh của Mỹ ở châu Âu và châu Phi, ông Mark Ferguson nói. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work nhận định: “Khi Iran tiếp tục phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo, Mỹ sẽ cùng các đồng minh bảo vệ NATO”.

Trước buổi lễ nói trên, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát vũ khí, Frank Rose, cảnh báo rằng các tên lửa đạn đạo của Iran có thể vươn đến châu Âu, trong đó có Romania. Hôm nay (13-5), một phần khác của lá chắn tên lửa được khởi công tại Ba Lan và sẽ hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ bền vững thường trực 24/24 giờ cho NATO, bên cạnh các hệ thống tàu và radar ở Địa Trung Hải.

Nga vốn phản đối việc triển khai lá chắn tên lửa tại khu vực thuộc tầm ảnh hưởng trước đây của mình. Ngày 12-5, Điện Kremlin khẳng định việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania là mối đe dọa đối với an ninh của Nga. “Ngay từ đầu trong toàn bộ câu chuyện này, chúng tôi đã nói rằng, theo quan điểm của các chuyên gia Nga, chúng tôi tin việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa thật sự là mối đe dọa đối với an ninh của Nga”, AFP dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới.

Bộ Ngoại giao Nga cho hay, chương trình tên lửa của Iran không đe dọa các nước NATO tại châu Âu và gọi động thái của Mỹ là sai lầm. Mục đích thực sự của lá chắn tên lửa tại châu Âu là vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga để Mỹ có thể tấn công phủ đầu Mátxcơva trong trường hợp có chiến tranh. Tuy nhiên, Washington và NATO bác bỏ điều này.

Phía Nga cũng cho rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu đang tìm cách tiếp cận gần khu vực Biển Đen chiến lược, vốn là “nhà” của hạm đội hải quân Nga và là nơi mà NATO đang xem xét gia tăng việc tuần tra. Hãng Interfax dẫn lời ông Andrey Kelin, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhận định: Động thái triển khai lá chắn tên lửa là một phần trong việc ngăn chặn quân sự và chính trị của Nga. “Quyết định của NATO có thể làm trầm trọng thêm tình hình”, ông Kelin nhấn mạnh; đồng thời nói thêm rằng, động thái đó sẽ cản trở những nỗ lực phục hồi mối quan hệ giữa Nga với NATO, vốn xuống dốc kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014.

Đô đốc Vladimir Komoyedov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Thượng viện Nga, cũng gọi lá chắn tên lửa là mối đe dọa đối với nước ông. “Không chỉ 100% mà là 200%, 300%, 1.000% là nhằm chống lại chúng tôi”, ông Komoyedov nhấn mạnh.

Việc triển khai lá chắn tên lửa tại Romania diễn ra trong lúc NATO cũng đang chuẩn bị triển khai lực lượng mới ở Ba Lan và các nước vùng Baltic. Đáp lại, Nga tăng cường lực lượng ở khu vực phía tây và phía nam với 3 sư đoàn mới.

Về phía Mỹ, cường quốc này khẳng định: Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu là lá chắn nhằm bảo vệ NATO khỏi các tên lửa tầm xa chứ không đe dọa Nga. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work, đây không phải là lá chắn trong tương lai để chống lại các tên lửa của Nga.

Tổng thống Romania Klaus Iohannis nói rằng, ông muốn có sự hiện diện hải quân thường trực của NATO trên Biển Đen và kêu gọi gia tăng an ninh đối với các thành viên liên minh ở phía nam và phía đông.

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan nhằm chống lại LiênXô. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn và được nối lại dưới thời cựu Tổng thống G.W.Bush nhằm chống lại nguy cơ bị tấn công từ Iran. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ Nga.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.