.

Thổ Nhĩ Kỳ đặt một chân vào EU

.

Nếu Ủy ban châu Âu (EC) đồng ý miễn thị thực trong khu vực Schengen cho người Thổ Nhĩ Kỳ thì xem như Ankara đã đặt một chân vào Liên minh châu Âu (EU).

Những người tị nạn Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ.		                       Ảnh: Getty Images
Những người tị nạn Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

EU luôn lo ngại rằng, nếu không có thỏa thuận miễn thị thực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phối hợp giải quyết bài toán di cư bất hợp pháp. Và nếu không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, EU không thể gồng gánh nổi vấn đề tị nạn theo hướng vừa giữ được biên giới mở bên trong giữa các quốc gia thành viên, tức là vừa duy trì được Hiệp ước Schengen, vừa bảo vệ được biên giới chung bên ngoài.

Vì vậy, trong cuộc “mặc cả” đáng chú ý giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, ưu thế có phần nghiêng về Ankara và quốc gia này đã tận dụng điều đó để ra sức ép với khối gồm 28 nước. Thổ Nhĩ Kỳ đã dọa ngừng tiếp nhận người di cư từ Hy Lạp nếu EU không cấp quyền đi lại. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu từng nói: “Việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Và đối với chúng tôi, một phần của sự hợp tác chặt chẽ hơn chính là việc bãi bỏ thị thực. Hai vấn đề này phải đi cùng nhau”.

Hãng Reuters cho biết, hôm nay (4-5), EC sẽ đưa ra đánh giá về các bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thực hiện các tiêu chí của EU và sẽ đề xuất miễn thị thực cho công dân Thổ vào cuối tháng 6 tới. Để được cấp quyền miễn thị thực, Ankara phải đạt được 72 tiêu chí nhưng theo đánh giá, nước này chỉ mới thực hiện được 64/72 tiêu chí.

Động thái của EC là một phần trong thỏa thuận để Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu. Thỏa thuận này vốn được EU và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất hồi tháng 3 vừa qua nhưng cũng gây không ít tranh cãi. Bởi lẽ, việc miễn thị thực cho một quốc gia Hồi giáo với dân số khoảng 79 triệu người như Thổ Nhĩ Kỳ khiến châu Âu không khỏi lo ngại và nhiều nước thành viên không ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, Brussels cho rằng, thỏa thuận lịch sử giữa EU với Ankara có thể giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai và EU thực tế đã không còn sự lựa chọn nào khác.

Theo thỏa thuận hồi tháng 3, tất cả những người Syria di cư trái phép đã đến Hy Lạp sẽ được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 20-3. Theo đó, cứ 1 người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ được EU tái phân bổ sẽ đổi lấy 1 người di cư Syria được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ Hy Lạp. Đổi lại, EU chấp thuận đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này; thực hiện lộ trình miễn thị thực nhập cảnh, chậm nhất là từ cuối tháng 6 tới sẽ cấp cho công dân Thổ quyền đi lại; xúc tiến khoản tiền hỗ trợ 3 tỷ euro và bổ sung 3 tỷ euro cho Thổ vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, Vương quốc Anh, Ireland và đảo Cyprus không thuộc khu vực Schengen nên các nước này vẫn yêu cầu visa đối với người Thổ.

Các nhà quan sát cho rằng, việc miễn thị thực giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ làm nảy sinh không ít lo ngại bởi nó đồng nghĩa với việc số người tới châu Âu sẽ tăng mạnh, kéo theo những nguy cơ lớn, trong đó có vấn đề về an ninh.

Trưởng đoàn đàm phán của EU với Thổ Nhĩ Kỳ Volkan Bozkır khẳng định, không có rào cản trên con đường tiến tới miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ, nghĩa là việc miễn thị thực cho công dân Thổ là điều hiển nhiên, bắt đầu vào tháng 6 tới. Cả hai bên đều đang thực hiện trách nhiệm của mình theo thỏa thuận với sự nhượng bộ rõ ràng từ phía EU. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc có trao cơ chế miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức được các nước thành viên EU và nghị viện châu Âu công bố vào cuối tháng 6.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.