.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày.

Trong 3 ngày lưu lại Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có các cuộc hội đàm với các lãnh đạo Việt Nam, thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác Việt - Mỹ trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, an ninh, những vấn đề khu vực và quốc tế.

Tổng thống Mỹ Barack Obama lưu lại Việt Nam 3 ngày, sau đó sẽ đến Nhật Bản để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. 				          Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama lưu lại Việt Nam 3 ngày, sau đó sẽ đến Nhật Bản để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters

Tại Hà Nội, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông sẽ đến thăm một ngôi chùa hơn 100 năm tuổi, tiếp xúc với các doanh nhân và thanh niên Việt Nam.

Sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong hai ngày tiếp theo.

Đây là chuyến công du Việt Nam đầu tiên của ông Obama trong hai nhiệm kỳ. Ông là Tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp thăm Việt Nam.

Mỹ quan tâm mở rộng mối quan hệ với Việt Nam

Giữa lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama trên chuyến bay tới châu Á, với hai chặng dừng chân là Việt Nam và Nhật Bản, báo chí của cường quốc này đã đăng tải nhiều bài viết nêu bật xu thế ấm lên của mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó cho rằng Washington đang rất quan tâm việc mở rộng các mối quan hệ với Việt Nam.

Mở đầu bài viết tựa đề “Ông Obama đặt mục tiêu làm sâu sắc các mối quan hệ tại châu Á”, báo The Wall Street Journal lưu ý thời gian ông Obama lưu lại Việt Nam bởi hiếm khi một tổng thống Mỹ dành 3 ngày để thăm một quốc gia.

Theo bài viết, trong thời gian ở Việt Nam, ông Obama sẽ chứng kiến một quốc gia đã gần như vượt qua được những đau thương của chiến tranh và hướng tới làm sâu sắc quan hệ với Mỹ. Từ một thành phố đổ nát sau chiến tranh, thủ đô Hà Nội đã trở thành một trung tâm du lịch, trong khi thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm của các công ty công nghệ mới.

Bài viết dẫn lời ông Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam và là Giáo sư Đại học Đô thị ở Hong Kong (Trung Quốc), mô tả chuyến thăm của Tổng thống Mỹ là bước cuối cùng của tiến trình hòa giải kéo dài hàng thập niên giữa hai đất nước có lịch sử đối địch.

Trong khi đó, với tựa đề “Ông Obama đến Việt Nam và Nhật Bản để đối diện với những bóng ma của chiến tranh trong bối cảnh hỗn loạn của những cuộc chiến mới”, bài viết trên báo Los Angeles Times mở đầu bằng đoạn viết: “Trong gần 8 năm qua, Tổng thống Obama đã chật vật tìm cách chấm dứt các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. Tuần tới, ông sẽ thành công trong việc khép lại những chương cuối cùng của hai cuộc chiến tranh khác - chiến tranh Việt Nam và Thế chiến thứ hai”.  

Đối với Tổng thống Mỹ, người đã cam kết kết thúc hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq nhưng phải chứng kiến hai cuộc chiến này kéo dài dai dẳng, chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản mang thông điệp: Để đạt được hòa bình thực sự cần rất nhiều nỗ lực và thời gian.

Chia sẻ lợi ích chiến lược

Báo Washington Times cũng đăng bài viết về chuyến thăm trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiến hành các hành động hiếu chiến tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có vị trí quan trọng trong chiến lược xoay trục hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Bài viết cho rằng, Việt Nam - một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề - đã gác lại quá khứ bi thương để xây dựng các mối quan hệ bạn bè.

Từng là cựu thù, đến nay Việt Nam và Mỹ ngày càng chia sẻ lợi ích chiến lược và có thể điều chỉnh mối quan hệ hợp tác an ninh để bảo đảm lợi ích chung trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các nhà phân tích cho rằng, trong 6 tháng còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama dự định sẽ làm rõ vị trí trung tâm của Việt Nam trong chiến lược xoay trục hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Về cơ bản, có thể cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này là cơ hội cuối cùng để ông Obama tỏa sáng khi đưa ra các ưu tiên thảo luận vốn bị trì hoãn từ lâu, đó là sự thay đổi trọng tâm của Mỹ từ khu vực Trung Đông bất ổn chuyển sang khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những vũ đài chính trị tới đây cho các siêu cường cạnh tranh quyền lực.

Hai thập niên sau khi bình thường hóa thương mại, Việt Nam và Mỹ trở nên gần gũi hơn do yêu cầu bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực và nhất là các hoạt động quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trang CNN có bài viết nhấn mạnh: Trong chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Tổng thống, ông Barack Obama sẽ chứng kiến một quốc gia đang chuyển mình nhanh chóng và tăng cường quan hệ với Mỹ. Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng lớn trong kế hoạch gần đây của Lầu Năm Góc nhằm thiết lập một mạng lưới an ninh tại châu Á. Và trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Mỹ bị hạn chế, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, dư luận hoài nghi về những xu hướng chính sách đối ngoại của Washington trong tương lai, nỗ lực kiên trì biến Việt Nam từ đối thủ thành đối tác sẽ nói lên nhiều điều về những ưu tiên của cường quốc hàng đầu thế giới. Chuyến viếng thăm của ông Obama sẽ là cơ hội để bắt đầu viết lên chương mới đó.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.