.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ: G7 cần có thông điệp cứng rắn

.

Nhật Bản cho rằng, các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cần có thông điệp mạnh mẽ đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Các nhà lãnh đạo G7 gặp gỡ tại tỉnh Mie của Nhật Bản. 			             Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo G7 gặp gỡ tại tỉnh Mie của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters dẫn lời Phó Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hiroshige Seko phát biểu với báo giới ngày 26-5 rằng, các nhà lãnh đạo G7 đã thống nhất họ cần gửi một thông điệp mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông - nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á, và Biển Hoa Đông - nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Tokyo. “Thủ tướng Shinzo Abe đã dẫn đầu buổi trao đổi về tình hình hiện tại ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các nhà lãnh đạo khác của G7 cho rằng, G7 cần đưa ra một dấu hiệu rõ ràng”, vị Phó Chánh Văn phòng nội các nói.

Trước đó, tại cuộc họp báo vào tối 25-5, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe nói rằng, Nhật Bản hoan nghênh “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, song lặp lại sự phản đối của Tokyo đối với các hành động làm thay đổi hiện trạng bằng việc dùng vũ lực; đồng thời thúc giục tôn trọng luật. Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở khu vực.

Tuy nhiên, tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh vẫn khẳng định: G7 hay bất kỳ thành viên nào trong khối này đều “không có gì để làm” đối với vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn này còn lớn tiếng rằng, Trung Quốc kiên quyết phản đối việc các nước thổi phồng vấn đề Biển Đông vì lợi ích cá nhân.

Ngày 25-5, khi đến Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình. Ông chủ Nhà Trắng tái khẳng định: Mỹ đơn thuần chỉ quan ngại về sự tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.

Trong khi đó, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cho rằng, nhóm họp lần này tại tỉnh Mie của Nhật Bản, nhóm các nước giàu cần có lập trường rõ ràng và cứng rắn về các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc.

Ông Tusk thậm chí cảnh báo, uy tín của nhóm các quốc gia giàu có này đang bị đe dọa. “Bài kiểm tra uy tín của chúng ta trong nhóm G7 chính là về khả năng bảo vệ các giá trị chung mà chúng ta chia sẻ… Bài kiểm tra này chỉ đạt nếu chúng ta có thái độ rõ ràng và cứng rắn trên mọi chủ đề được thảo luận ở đây... Tôi muốn đặc biệt lưu ý vấn đề an ninh hàng hải, vấn đề ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và quan hệ Nga - Ukraine”, ông Tusk nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu còn khẳng định: Chính sách của G7 rất rõ ràng: bất kỳ tranh chấp trên biển hay tranh chấp lãnh thổ nào khác cũng phải dựa trên luật pháp quốc tế, mọi tranh chấp đều phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.

Hội nghị thượng đỉnh G7 đã khai mạc ở tỉnh Mie vào ngày 26-5 với sự tham dự của 7 nhà lãnh đạo đến từ 7 nước giàu (gồm: Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker. Hội nghị kéo dài đến ngày 27-5 với 7 phiên họp gồm các chủ đề: Giá trị và sự đoàn kết của G7, Kinh tế toàn cầu, Thương mại, Chính sách đối ngoại, Ổn định và thịnh vượng châu Á, châu Phi và Phát triển.

Tình bằng hữu Việt - Nhật được xây đắp từ những tương đồng

Chiều 26-5 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến sân bay Chubu, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ngay sau khi đến Nagoya, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tham dự Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”.

Phát biểu tại diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng, người dân hai nước hằng ngày ăn cơm bằng bát nhỏ và dùng đũa, trong lao động luôn coi trọng sự cần cù, hợp tác giúp đỡ, cởi mở, hiếu khách trong giao tiếp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trích dẫn lời cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama nói rằng, tình bằng hữu Việt - Nhật được xây đắp từ những tương đồng “cùng chung nhịp đập trái tim” và cho biết ông sẽ thăm đền Ise Jingu, ngôi đền lớn nhất và thiêng liêng nhất Nhật Bản “để có cơ hội tìm hiểu rõ hơn các giá trị Nhật Bản và cùng chung nhịp đập trái tim với các bạn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thời gian tới đứng ở nhóm đầu của các nước ASEAN.

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế. Trong 3 năm tới, nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung tham gia đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược. Đặc biệt, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh thuận lợi ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2017 về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng...

Kết thúc bài phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Với phương châm thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới. Chúng tôi chào đón các bạn tại Việt Nam và tin tưởng rằng các bạn sẽ thành công tại đất nước của chúng tôi”.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.