.

"Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xoay trục của Mỹ"

.

Ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tờ thời báo The Washington Times đã đăng bài viết về chuyến thăm trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiến hành các hành động hiếu chiến tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có vị trí quan trọng trong chiến lược xoay trục hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo bài viết, từ các quầy hàng đường phố bận rộn xung quanh hồ Hoàn Kiếm tới khách sạn Metropole, thủ đô của Việt Nam đang hối hả và nhộn nhịp trước chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Tổng thống Obama. Chuyến thăm sẽ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu ​từ 23/5.

Việt Nam, một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đã gác lại quá khứ bi thương để xây dựng các mối quan hệ bạn bè.

Từng là cựu thù, đến nay Việt Nam và Mỹ ngày càng chia sẻ lợi ích chiến lược và có thể điều chỉnh mối quan hệ hợp tác an ninh để đảm bảo lợi ích chung trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các nhà phân tích cho rằng, trong 6 tháng còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama dự định sẽ làm rõ vị trí trung tâm của Việt Nam trong chiến lược xoay trục hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đây cũng là mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này, sau đó ông Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Nhật Bản, dự kiến bắt đầu từ 26/5.

Về cơ bản, có thể cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần này là cơ hội cuối cùng để ông Obama tỏa sáng khi đưa ra các ưu tiên thảo luận vốn bị trì hoãn từ lâu, đó là sự thay đổi trọng tâm của Mỹ từ khu vực Trung Đông bất ổn chuyển sang khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới đồng thời cũng là một trong những vũ đài chính trị tới đây cho các siêu cường cạnh trang quyền lực.

Hai thập kỷ sau khi bình thường hóa thương mại, Việt Nam và Mỹ trở nên gần gũi hơn do yêu cầu bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực và nhất là các hoạt động quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Có thể thấy được mức độ quan tâm của phía Mỹ đối với Việt Nam khi các cơ quan báo chí Việt Nam cho biết đoàn Mỹ sang thăm lần này với lực lượng hùng hậu lên tới hơn 1.000 người, bao gồm các cố vấn của tổng thống, lực lượng bảo vệ an ninh và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ.

Ngay tại phòng đến của sân bay Nội Bài, có thể thấy các băngrôn khẩu hiệu chào đón đoàn Mỹ ở khắp nơi.

Bên ngoài thủ đô, nơi B52 của Mỹ từng rải thảm, là khu nhà máy mới của hãng xe Ford. Gần đó là biển quảng cáo của hãng Nike, một trong những doanh nghiệp tạo ra việc làm nhiều nhất cho người dân địa phương Việt Nam.

Nước chủ nhà Việt Nam cũng sẽ chiêu đãi ông ông Obama tiệc tối cấp nhà nước trong thời gian ông thăm Việt Nam.

Các vấn đề an ninh, thương mại và quyền con người có thể sẽ là những nội dung chính trong chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, cũng có những đồn đoán từ Quốc hội và các quan chức cao cấp bộ quốc phòng Mỹ cho rằng ông Obama có thể tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ vốn đã áp đặt đối với Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đồng thời là di tích chiến tranh cuối cùng còn sót lại.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ bang Maryland Benjamin L. Cardin, người có vị trí cao tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện cho biết, ông đã đề xuất ý kiến với chính quyền rằng, Mỹ cần quan tâm đảm bảo các hợp đồng vũ khí tiềm năng, điều này phù hợp với quan hệ song phương hai nước và hỗ trợ sự ổn định của khu vực.

Bài viết cho rằng việc gỡ bỏ hoặc nới lỏng hơn nữa lệnh cấm vận vũ khí có thể được phía Mỹ thực hiện nếu Việt Nam cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn đối với cảng Cam Ranh, một cảng vốn trước kia có vai trò quan trọng đối với quân đội Mỹ thời chiến tranh Việt Nam và nay có thể cung cấp sự tiếp cận quan trọng cho Mỹ nếu xung đột tại Biển Đông xảy ra.

Mặc dù bạo lực và bất ổn ở Trung Đông vẫn tiếp diễn nhưng ông Obama được cho là vẫn kiên trì trấn an các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, rằng Mỹ sẽ duy trì các cam kết đối với khu vực, bao gồm cả việc Mỹ sẽ triển khai một lực lượng hùng hậu tại khu vực với sự hiện diện của khoảng 60% hạm đội Hải quân Mỹ.

Cũng giống như các quốc gia khác trong khu vực, các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông đang đẩy Việt Nam quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định sự độc lập, không để bị cuốn vào quỹ đạo của bất kỳ quốc gia nào, cho dù đó là Trung Quốc hay Mỹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng luôn thúc đẩy thu hút đầu tư từ Mỹ và đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có sự tham gia của Trung Quốc do chính quyền ông Obama khởi xướng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và các cố vấn vẫn đang nỗ lực hợp tác với Việt Nam, tăng cường tiến hành các hoạt động diễn tập phi quân sự trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại khu vực tiếp tục leo thang.

Việc Trung Quốc tiến hành tôn tạo, xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô, lắp đặt các hệ thống ra​dar hiện đại tại Trường Sa, lắp đặt, triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không và các máy bay chiến đấu tại Hoàng Sa đã thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự Việt Nam-Mỹ phát triển đi vào chiều sâu.

Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014, chính quyền Obama đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cho phép Việt Nam mua các tàu tuần tra do Mỹ sản xuất, động thái này đã được Chủ tịch quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain hậu thuẫn.

Giáo sư Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Australia Carlyle A. Thayer cũng cho rằng quan hệ quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam và Mỹ phát triển do sự hội tụ các lợi ích xuất phát từ các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cùng đẩy Việt Nam quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ.

Tháng trước, trong bài phát biểu tại Texas, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam và tin tưởng rằng việc gỡ bỏ rào cản cuối cùng sẽ phản ánh sự bình thường hóa hoàn toàn trong quan hệ hai nước vốn đã được thiết lật từ hai thập kỷ qua và mức độ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Trong buổi điều trần của Ủy ban quân vụ Thượng viện gần đây, cùng với các bản đồ được đưa ra để chứng minh rằng các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có đủ khả năng tấn công toàn bộ khu vực Biển Đông, ông Carter cho biết ông ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí và đẩy mạnh thương mại quốc phòng.

Các lực lượng quân sự Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển, cảnh sát biển và lực lượng giám sát thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên sự khác biệt trong quan điểm về vấn đề nhân quyền vẫn đang là rào cản quan hệ hai nước.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.