Thực tế, gần 5 năm trở lại đây, vấn đề Biển Đông xuất hiện khá dày đặc trên các phương tiện truyền thông lẫn trên các diễn đàn quốc tế. Đáng chú ý là nhiều Hội nghị thượng đỉnh song phương và đa phương đã đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự, thậm chí có các tuyên bố chính thức, như Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản mới đây chính thức bày tỏ lo ngại về sự an toàn, an ninh hàng hải, hàng không ở khu vực này.
Vậy lý do nào để xuất hiện mối quan ngại đó?
Có hai điểm mấu chốt như sau:
Một là, tuyên bố của Trung Quốc cùng các văn kiện mà Bắc Kinh gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đề cập yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông. Hay nói cách khác, bản đồ phi lý của họ vẽ ra cho rằng, hơn 90% khu vực Biển Đông là vùng biển thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc (!?).
Hai là, Trung Quốc nhanh chóng tiến hành mở rộng, xây dựng, bồi lấp các đảo tự nhiên và bồi lấp các rạn san hô mà họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam và nước láng giềng khác.
Đồng thời, Trung Quốc cho xây dựng các cơ sở hạ tầng với quy mô lớn như: sân bay, cầu cảng, các công trình quân sự… để đi tới thiết lập các tiền đồn quân sự nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông. Đặc biệt, các hoạt động của lực lượng hải giám Trung Quốc cũng tác động, ảnh hưởng khá lớn tới tình hình ở vùng biển này.
Hành động đó của Trung Quốc đã biến toàn bộ Biển Đông vốn yên tĩnh lâu nay thành nguy cơ bất ổn nghiêm trọng. Chính tham vọng cùng hành động của Trung Quốc đã buộc các quốc gia liên quan phải lên tiếng phản đối và thực hiện quyền tự vệ của mình để bảo đảm chủ quyền.
Trước hết, Philippines đã cực lực phản đối và đệ đơn lên Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) kiện Trung Quốc về yêu sách “đường chín đoạn” cũng như việc Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough vì cái gọi là bản đồ yêu sách đó không có trong thực tế, vi phạm luật pháp và Công uớc quốc tế về Luật Biển. Sau gần 2 năm thu thập tài liệu, tiến hành các phiên điều trần…, PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào đầu tháng 7 tới.
Các nhà quan sát nhận định: Việc Trung Quốc thua kiện là điều có thể nhìn thấy rất rõ.
Phản ứng lại những dự báo này, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt hoạt động nhằm gây áp lực với các quốc gia liên quan, hoặc mua chuộc các nước có quan hệ ngoại giao, kinh tế và chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, cũng như bồi đắp, tôn tạo, xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đã tuyên bố với một số quốc gia châu Á rằng có thể sẽ rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhằm phản đối phán quyết của PCA nếu phán quyết này đi ngược lại lập trường của Bắc Kinh.
Phần lớn các nước ASEAN cho rằng, việc Trung Quốc chiếm các đảo và bãi đá ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, bồi đắp, xây dựng sân bay và các thực thể quân sự là đe dọa an ninh đối với mọi người; đồng thời cũng có các tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động nói trên. Đặc biệt, những nước có liên quan trực tiếp như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei đã nhiều lần lên án mạnh mẽ hành động đó của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình ở Biển Đông.
Các nước có quyền lợi ở Biển Đông đã lên án Trung Quốc, không chấp nhận tuyên bố về bản đồ “đường chín đoạn” và các hành động thực tế của Bắc Kinh. Đồng thời, các nước này, nhất là Mỹ và Nhật Bản, cũng tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, cho tàu tuần tra đi vào vùng 12 hải lý cái mà Trung Quốc gọi là chủ quyền ở một số đảo, để bảo đảm tự do hàng hải, hàng không. Gần đây, một số quốc gia châu Âu như Pháp cũng tuyên bố sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông.
Như vậy, nhìn tổng thể toàn bộ vấn đề thì nguyên nhân trực tiếp gây ra tình hình phức tạp ở Biển Đông là Trung Quốc chứ không phải quốc gia nào khác. Như thông tin trên mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN với Trung Quốc diễn ra tại Vân Nam (Trung Quốc) đã nêu rõ: “Về vấn đề Biển Đông, các Ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, coi đây là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, trước hết là ASEAN và Trung Quốc; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế…”.
TUYẾT MINH